Chuyện kho báu Tàu chôn ở một quả núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có lẽ là câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn không khác cảm giác bạn đang đọc “Đảo châu báu” (Treasure Island) của Robert Louis Stevenson. Mà còn ly kỳ hơn nữa, khi người ta lấp lửng trưng bằng chứng một gia đình nông dân lúc đào ao đã phát hiện các tượng kim loại màu vàng, có hoa văn tinh xảo, phía dưới có khắc chữ Hán, nghi là cổ vật dẫn tới kho báu Tàu có chứa tới 4.000 tấn vàng mà quân đội Nhật đã chôn trước khi về nước.
Ngay lập tức, ông Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận đã chỉ đạo liên hệ với chính chủ để có kế hoạch xem xét, giám định số “cổ vật” mới tìm thấy. Đó cũng là điều dễ hiểu về chuyên môn với bất cứ bảo tàng công nào, khi thực thi trách nhiệm “đúng quy trình”, như lập đoàn chuyên gia, dự trù kinh phí thực hiện, nhất là khâu kinh phí phải minh bạch, rõ ràng để bên tài chính khỏi vấn vương duyệt chi.
Trong khi đó, một người có thâm niên 8 năm trong chế tác kim hoàn khẳng định với chúng tôi rằng số cổ vật trên 100% không phải vàng, 99% là đồng và không phải đồ cổ. Còn một người khác thì kể rằng mấy tháng trước có mấy ông xây dựng ghé chào bán cũng 4 pho tượng y chang, nói là tượng cổ mới đào. Tuy vài ngày sau phía Bảo tàng Bình Thuận đã từ chối chuyện giám định, song chuyện chuyên gia về bảo tàng, bảo tồn mà nhìn cổ vật không phân biệt ngay được giả - thật thì đúng là phải đáng bàn!
Trước đó, vào tháng 3, cũng rộ lên thông tin ở Thừa Thiên - Huế, một lão nông trong lúc đào nền nhà rường trên 100 năm tuổi, đã “bất ngờ” phát hiện 3 bức tượng bằng đồng nghi là “cổ vật” có từ triều đại hoặc nhà Minh hoặc nhà Thanh. Thực hư chuyện này ra sao, cũng chìm xuồng, bởi các loại “cổ vật” tương tự bày bán nhan nhản ở chợ Lê Công Kiều (TPHCM) với hoa văn, chạm khắc còn tinh xảo và có hồn hơn là “đồ cổ” mới khai quật nhờ đào ao, xây nhà. Thậm chí, khi mua vài món “đồ cổ” tạc vũ nữ Apsara tại một chợ đồ cổ ở Campuchia, thì về đến Việt Nam, người mua mới tá hỏa chúng có xuất xứ từ các làng nghề hoặc ở Bắc Ninh, Quảng Nam hoặc Nam Định. Câu chuyện đồ cổ còn dài dòng lắm, khi khắp hang cùng ngõ hẻm, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, người ta mời chào mua bán hàng niên đại… có từ trước thời kỳ đồ đá.
Một người chơi đồ cổ kể rằng có lần anh mua một món đồ thời Óc Eo từ một giám đốc bảo tàng tỉnh, đinh ninh là hàng “zin” 100% vì mua từ chính tay giám đốc, song về sau vị giám đốc đã nghỉ hưu mới phân bua đó là đồ giả cổ “vì khi đó tớ (đang đương chức) có biết nghệ thuật là gì đâu!”. Từ đó dễ thấy công tác cán bộ ngành văn hóa của chúng ta còn nhiều bất cập. Và, hậu quả để lại, như vụ bảo vật - bức tranh sơn mài Bắc - Trung - Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí, đã phút chốc bị xuống cấp do lau chùi, vệ sinh bằng… nước rửa chén.
Thị trường đồ cổ có tiềm năng cực lớn nếu có sự tham gia của các chuyên gia uyên thâm. Nhưng rất tiếc chúng ta bỏ lỡ cơ hội khi coi nhẹ công tác đào tạo giám tuyển, giám định các tác phẩm nghệ thuật ở các trường mỹ thuật. Hầu hết các bộ sưu tập quý hiếm hiện nay ta có đều nằm trong tay tư nhân và do chính họ tuyển lựa nhờ tự học, tự nghiên cứu, tức là từ kinh nghiệm bản thân. Trong thời hội nhập, đây là lĩnh vực cần được quan tâm đặc biệt nếu biết rằng khi đem đi trưng bày giới thiệu ở nước ngoài, điều đầu tiên cần làm là tính giá trị tiền bảo hiểm phòng khi bị hư hại, mất mát lúc vận chuyển và trưng bày. Ta có làm được không và tổ chức nào sẽ đứng ra cấp chúng nhận? Rõ ràng đó vẫn là câu hỏi không lời đáp!