Trong giới xuất bản, mỗi khi nhắc đến việc sử dụng một tác phẩm mà không xin phép tác giả, người ta hay nhắc đến một câu chuyện tưởng đùa nhưng lại có thật.
Cách nay mấy năm, một cuốn sách của NXB thuộc cấp bộ bị phát hiện sử dụng tác phẩm văn học của một nhà văn nhưng lại không xin phép nhà văn đó. NXB đã thừa nhận sai sót, xin lỗi và lý giải bằng văn bản rằng do không liên hệ được nhà văn nên họ đã không xin phép trước khi sử dụng. Lời lý giải này nhanh chóng trở thành trò cười trong giới làm sách bởi ai cũng biết ông giám đốc NXB và nhà văn ở cùng một khu tập thể, sáng nào hai ông cũng cùng đi tập thể dục, đánh cờ và khu nhà của họ cách trụ sở NXB chỉ chưa đến trăm mét!
Câu chuyện trên cho đến nay luôn được xem là minh chứng cụ thể nhất cho tình trạng thiếu tôn trọng quyền tác giả trong công tác xuất bản, dù rằng vấn đề quyền tác giả đã đi vào đời sống xuất bản hơn 10 năm, tính từ khi Công ước Berne có hiệu lực ở Việt Nam (năm 2004). Theo đó, rất nhiều đơn vị làm sách, NXB còn thiếu tôn trọng, thiếu nghiêm túc trong việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền, tối thiếu nhất là việc xin phép tác giả, chủ sở hữu. Tình trạng vi phạm này không nể nang bất cứ ai, dù là cây bút tên tuổi nhất hay tác giả vừa bước vào nghề không nhiều người biết đến. Sự vi phạm nghiêm trọng đến mức từng có tác phẩm của nhà văn được xếp vào hạng “kinh điển” với các giải thưởng cấp nhà nước, bạn đọc nhiều thế hệ ai cũng biết tên, được in đi in lại, thậm chí có đơn vị in sách ông xong còn trao tặng sách cho ông nhân dịp thượng thọ. Thế nhưng, khi có người hỏi đùa rằng ông sẽ làm gì với tiền nhuận bút thì tất cả mới ngã ngửa ra rằng đơn vị làm sách đã quên và lý do được đưa ra là do “sách quá quen thuộc nên khi tái bản lại quên vấn đề này”.
Chính vì vậy, câu chuyện nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn vừa qua tố NXB Giáo dục “quên” xin phép, “quên” tiền tác quyền khi sử dụng tác phẩm của anh tuy gây xôn xao dư luận nhưng lại chẳng tạo bất ngờ cho ai. Sau khi sự kiện diễn ra, NXB đã có công văn gửi nhà văn để xin lỗi, đồng thời đưa ra hướng giải quyết. Thế nhưng, chính lời xin lỗi, cách giải quyết này lại khiến tác giả bức xúc vì nó cho thấy trách nhiệm của những người liên quan vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Về phần trách nhiệm, NXB Giáo dục cho rằng theo hợp đồng các tác giả biên soạn chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu nội dung xuất bản phẩm xâm hại đến quyền tác giả của người khác hoặc gây tổn hại đến uy tín của bên thứ ba. Về vấn đề nhuận bút, tiền tác giả, NXB chiếu theo các quy định của Nhà nước về nhuận bút để chi trả. Thế nhưng, NXB lại lờ đi vấn đề là quy định về chi trả nhuận bút đó chỉ áp dụng trong trường hợp giữa NXB và tác giả có sự làm việc rõ ràng, cụ thể từ trước khi sách được xuất bản. Trong trường hợp của cuốn sách vừa qua là một hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và việc thanh toán khi đó phải có sự thống nhất giữa bên bị hại là tác giả và bên vi phạm.
Trên thực tế trong vụ việc vừa qua, người bị hại cũng không đòi hỏi nhiều hơn mà chỉ yêu cầu có sự công khai, rõ ràng về việc vì sao người vi phạm tự quyết định luôn khoản chi trả nhuận bút mà không cần trao đổi gì với tác giả. Thất vọng vì cách hành xử của NXB mà một cây bút trẻ đã chủ động yêu cầu người chủ biên bỏ tác phẩm của mình ra khi tái bản lần tới. Dù biết rằng sách giáo dục, tham khảo là dạng sách có lượng bạn đọc rất lớn, là cơ hội vàng cho các tác giả trẻ khẳng định thanh danh.
Câu chuyện của NXB Giáo dục vừa qua cũng như một số NXB trước đó cho thấy, dù đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ nhưng nền xuất bản trong nước vẫn còn một khoảng cách không nhỏ đến với chuyên nghiệp khi mà quyền sở hữu trí tuệ, một yếu tố quan trọng nhất trong xuất bản, vẫn còn bị xem nhẹ. Đằng sau một lời xin lỗi vẫn còn rất nhiều trách nhiệm phải làm rõ để góp phần đưa nền xuất bản trong nước phát triển, không chỉ đáp ứng nhu cầu bạn đọc mà còn là chỗ dựa, bệ đỡ cho những người sáng tác trong nước.
TƯỜNG VY