Công ty cổ phần tôn Hoa Sen (THS) đã tạo nên cơn bão dư luận về dự án thép 11 tỷ USD tại tỉnh Ninh Thuận. Hàng loạt câu hỏi hoài nghi đều rất có cơ sở. Lớn nhất là gây ô nhiễm môi trường từ bài học nhãn tiền của dự án thép Formosa Hà Tĩnh. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là năng lực thực hiện của THS. Còn nhớ, cũng chỉ mới đây THS đã tuyên bố đầu tư mạnh vào bất động sản (BĐS). Khởi đầu chương trình này, vào tháng 5 rồi THS khởi công rầm rộ dự án khách sạn, trung tâm thương mại có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, lớn nhất tại tỉnh Yên Bái. Nối tiếp là công bố đầu tư 2 dự án khách sạn và căn hộ cao cấp tại Quy Nhơn, Bình Định với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Qua các phương tiện truyền thông, nhiều người choáng với sự phát triển của THS. Và nay là dự án nhà máy thép với số vốn đầu tư lên tới 11 tỷ USD!
Câu chuyện quá lạ, liệu có quá sức? Bởi vì, báo cáo tài chính của THS lợi nhuận năm trước sau thuế là 650 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 3.600 tỷ đồng, nên chỉ tính riêng việc đầu tư cho các dự án BĐS mới, doanh nghiệp này có “đuối sức”? Huống hồ đối với Nhà máy thép Ninh Thuận, nếu với tổng vốn đầu tư là 11 tỷ USD thì THS phải có vốn đối ứng gần 4 tỷ USD. Vì vậy, dư luận ngờ vực là chuyện không tránh khỏi!
Thời gian gần đây trên thương trường có hàng loạt dự án tỷ đô được công bố hoành tráng. Phải chăng doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh vượt trội, vượt qua các anh cả tư bản đã tích lũy vốn hàng trăm năm? Thử điểm lại những công trình tạo nên bước ngoặt kỳ vĩ cho thành phố có vốn bao nhiêu? Đầu tiên, đại lộ Võ Văn Kiệt xuyên thành phố, nối từ Đông sang Tây, có hầm chui dài nhất Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 600 triệu USD. Một dự án hiện đại nhất cả nước, giải quyết giao thông căn bản từ khu Đông về trung tâm, đó là dự án metro Suối Tiên - Bến Thành, cũng ước khoảng 2 tỷ USD. Kế tiếp, tuyến đường Phạm Văn Đồng nối sân bay Tân Sơn Nhất sang Thủ Đức, kích hoạt khu Đông phát triển với vốn gần 500 triệu USD (thành phố phải đổi hàng loạt khu đất cho nhà đầu tư). Hoặc một dự án BĐS đình đám ở Bình Thạnh, lớn nhất thành phố tới thời điểm này về số lượng căn hộ, là dự án xây dựng 12.000 căn hộ tại Tân Cảng cũng chỉ có tổng vốn công bố là 30.000 tỷ đồng, khoảng 1,4 tỷ USD. 4 dự án cộng lại chỉ có 4,5 tỷ USD.
Hàng loạt dự án đầu tư lên đến hàng tỷ đô la của nhiều doanh nghiệp Việt Nam công bố trong nhiều lĩnh vực thời gian qua, nếu đúng thực lực, sẽ là tín hiệu mừng cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đằng sau những dự án tỷ USD là ẩn số rất lớn. Có một sự thật, các doanh nghiệp càng lớn vay mượn càng nhiều, đến nỗi có doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán ôm khối nợ khổng lồ lên tới gần 6 tỷ USD. Ở doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư và người dân còn có thể biết phần nào sự thật do phải công bố thông tin, còn các doanh nghiệp khác, tất cả các hoạt động của họ luôn là ẩn số. Nợ từ đâu đến? Lâu nay dư luận hay râm ran đồn thổi về cách làm lấy dự án nuôi dự án, dự án sau to hơn dự án trước, từ đó dự án sau sẽ nuôi dự án trước. Do vậy cục nợ càng ngày càng phình to, tức là dự án ngày càng nhiều, không có hồi kết. Nhưng điều đáng nói là, nợ của doanh nghiệp gắn chặt với nhà băng, nhà băng lại huy động vốn từ dân. Khi trở thành nợ xấu sẽ kéo cả nền kinh tế đi vào đường lẩn quẩn, tiêu hao nguồn lực phát triển. Ấy là vấn đề người dân băn khoăn, còn việc đầu tư như thế nào là quyền của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là liệu xã hội có gánh hậu quả, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Câu chuyện ở đây, là cơ quan chức năng và chính quyền phải gác cửa kỹ lưỡng, hạn chế rủi ro. Đằng sau dự án tỷ USD phải có quy hoạch từ Chính phủ, cùng việc cân nhắc thấu đáo của các cơ quan chức năng. Để kiến tạo nền kinh tế phát triển lành mạnh phải mạnh dạn cắt những cục nợ sắp hình thành, vống lên không thực chất, phình to vô lý; xóa bỏ những lĩnh vực hủy hoại môi sinh môi trường. Đó cũng chính là phát triển đường dài, chắc nhịp, bước đi của lớp trước không biến thành gánh nặng cho thế hệ nối tiếp.
LƯƠNG THIỆN