Danh dự người sáng tác

Chỉ trong vỏn vẹn hai tuần, giới văn học nghệ thuật trong nước rúng động về hai sự kiện có liên quan đến thơ. Thơ, một loại hình sáng tác văn học tiêu biểu nhưng bị đánh giá là đã giảm sút sự chú ý của công chúng, nay rầm rộ trở lại phải chăng là tín hiệu vui? Điều đáng buồn là ngược lại, sự xôn xao, chú ý tuy có liên quan đến thơ nhưng lại theo một hướng tiêu cực, đó là việc các nhà thơ bị tố đạo thơ, tranh giành thơ của nhau

Chỉ trong vỏn vẹn hai tuần, giới văn học nghệ thuật trong nước rúng động về hai sự kiện có liên quan đến thơ. Thơ, một loại hình sáng tác văn học tiêu biểu nhưng bị đánh giá là đã giảm sút sự chú ý của công chúng, nay rầm rộ trở lại phải chăng là tín hiệu vui? Điều đáng buồn là ngược lại, sự xôn xao, chú ý tuy có liên quan đến thơ nhưng lại theo một hướng tiêu cực, đó là việc các nhà thơ bị tố đạo thơ, tranh giành thơ của nhau.

Đó là vụ bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Quế Mai bị một nhà thơ chưa tên tuổi tố là lấy thơ của mình. Đó là sự kiện bài thơ Bạch lộ nằm trong tập thơ đoạt giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư bị phát hiện gần như giống bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan xuất bản trước đó. Những vụ tranh chấp này có rất nhiều điểm chung giống nhau. Vụ bài thơ của nhà thơ Quế Mai, người đi tố dù rất hùng hổ nhưng lại chẳng có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh rằng đó là sáng tác của mình ngoài những câu chuyện kể. Vụ bài thơ Bạch lộ, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng chẳng có nổi bằng chứng rằng bài thơ Bạch lộ sáng tác trước bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, ngoài lời kể rằng đã viết từ 20 năm trước nhưng chỉ gửi cho báo, tạp chí ở nước ngoài (!?).

Trong một thế giới phẳng như hiện nay, sự lấp liếm, bao biện rất khó có chỗ để tồn tại. Vụ bài thơ Tổ quốc gọi tên, chỉ sau vài ngày xôn xao, người ta đã mau chóng quên đi câu chuyện khi người tự nhận là tác giả thậm chí còn không nhớ chính mình đã viết gì, tất cả bản lưu từ trên mạng đến cá nhân đều không tồn tại. Đến mức mà nhà thơ Quế Mai ban đầu tính kiện vì tội vu khống sau đó đã bỏ qua vì cảm thấy vô nghĩa khi người tố chẳng có gì để tố ngoài vài lời tuyên bố vu vơ. Vụ nhà thơ Phan Huyền Thư ngay khi có thông tin của nhà thơ rằng đã gửi các báo ở Mỹ, giới sưu tầm sách báo đã liên hệ nhau để kiểm chứng và dù lục tung hết toàn bộ báo năm 1996, 1997 cũng không thấy bài thơ mà nhà thơ Huyền Thư nhắc đến. Cũng vì việc thiếu đi bằng chứng này mà chỉ một ngày sau sự việc, Hội Nhà văn Hà Nội đã nhanh chóng ra quyết định thu hồi giải thưởng tập thơ của Phan Huyền Thư với lý do bài thơ có dấu hiệu đạo thơ người khác.

Vụ việc tưởng chừng như khép lại với kết luận và quyết định của Hội Nhà văn Hà Nội, thế nhưng sự kết thúc chỉ nửa vời khi nhà thơ Phan Huyền Thư dù đã gửi thư xin trả lại giải, xin lỗi nhà thơ Thường Đoan cùng mọi người vì “đã khiến mọi người mệt mỏi”, cũng như khẳng định bài thơ của mình sáng tác sau nhưng một lời khẳng định rằng bản thân mình đạo thơ lại vẫn chưa thấy.

Điều đáng nói là câu chuyện lấy tác phẩm người khác làm của mình lại không phải là chuyện hiếm. Chỉ mới đây thôi lĩnh vực nhiếp ảnh cũng nổ ra hàng loạt tranh cãi về quyền tác giả một bức ảnh đoạt giải. Trong lĩnh vực âm nhạc, hẳn còn nhớ trường hợp một nhạc sĩ “cầm nhầm” tác phẩm của một nhạc sĩ quốc tế rồi cương quyết không thừa nhận để đến mức chính tác giả gốc phải than thở: “Trời biết, đất biết, ông ấy biết”… Rồi điện ảnh, truyền hình thậm chí ngay cả lĩnh vực truyện tranh vốn còn chưa kịp phát triển đã có chuyện sao chép của nhau.

Sáng tác là một hoạt động mang tính cá nhân tuyệt đối, do đó hầu như không thể có chuyện tác phẩm giống nhau hoàn toàn. Dù cùng ý tưởng, cùng phong cách, cùng hoàn cảnh sáng tác… nhưng mỗi người viết ra đều có sự khác nhau bởi mỗi tác giả là con người khác nhau với những cảm xúc cá nhân, vốn sống, tài năng… khác nhau. Và cũng vì tính cá nhân như vậy nên việc cùng một tác phẩm nếu có nhiều người tự nhận là tác giả sẽ rất khó để xác nhận. 

Thế nhưng, lời lẽ có thể che đậy nhiều điều nhưng danh dự người sáng tác thì không. Thực tế dù có bao ngôn ngữ biện hộ thì với bạn đọc, với công chúng và qua thời gian, họ luôn hiểu rõ ai là kẻ ngụy biện. Những người sáng tác trong nước hẳn không thể quên những tên tuổi nổi tiếng vốn tên tuổi đang lẫy lừng, ảnh hưởng to lớn đến thế nhưng chỉ vì một chút tham lam, một chút gian dối đã tự đánh mất tất cả. Với những sự việc vừa qua, dù sự thật về ai thì với người còn lại, danh dự của một người sáng tác đã bị đánh mất. Và khi danh dự người sáng tác đã không còn, thật khó để người sáng tác còn có thể tồn tại trong lòng bạn đọc. Đó mới là mất mát to lớn nhất.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục