Đánh mất lòng tự trọng?

Chưa bao giờ vấn nạn sách cho giới trẻ được dư luận quan tâm nhiều như thời gian qua. Đó là những sai sót và lạc hậu kiến thức; nội dung bạo lực, hình ảnh phản cảm trong sách thiếu nhi, liên quan đến những hình tượng vốn ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ như Thánh Gióng, Tấm Cám, Thạch Sanh… Trong lúc đó, sách ngôn tình dịch từ Trung Quốc dành cho tuổi mới lớn, với những câu chuyện yêu đương tay ba tay tư lâm ly bi đát, miêu tả cảnh chém giết hãi hùng hoặc cảnh phòng the ngượng chín mặt, đang chiếm lĩnh thị trường và đầu độc người đọc trẻ.

Một nhà văn ở TPHCM than với tôi rằng, con gái anh đang học trung học rất mê đọc sách, nhưng toàn sách ngôn tình. Thoạt đầu thấy con bỏ chơi game trên điện thoại và máy vi tính, rảnh rỗi là lao vào đọc sách, anh thầm mừng. Đến khi phát hiện con gái mới lớn chỉ đọc toàn sách ngôn tình Trung Quốc, anh lặng lẽ theo dõi đọc thử thì mới giật mình. Anh và vợ cố gắng giải thích kiểu nào, cuối cùng con cũng lét lút đọc. Đọc quên ăn quên ngủ và cũng chẳng sợ la mắng. Không cho tiền mua sách thì mượn sách của bạn. Con gái anh còn “phản biện” rằng: Sao ba là nhà văn không giỏi viết loại sách hấp dẫn ly kỳ như vậy để có nhiều người mua đọc!?

Giữa lúc các nhà văn Việt Nam cày ải ngày đêm, sách được xuất bản nhuận bút chẳng đủ nuôi vợ con vài tháng thì sách ngôn tình “mì ăn liền” dịch từ Trung Quốc có giá bán trên trời, hơn 100.000 đồng/cuốn, lại bán rất chạy, nhà sách nào cũng bày bán la liệt. Các nhà văn Việt Nam có nằm mơ cũng chẳng ai có được sách bán đắt và chạy như vậy.

Một nữ nhà văn thổ lộ với tôi rằng, với mong muốn sách mình bán được, nên chị từng thử viết truyện ngôn tình thật ly kỳ, mùi mẫn, ướt át. Nhưng càng viết, chị càng cảm thấy xấu hổ, nhất là khi cố miêu tả những chuyện yêu đương đủ kiểu nhảm nhí để câu khách. Viết được gần nửa tiểu thuyết tình cảm, chị chợt nghĩ, nếu mai đây con mình lớn lên đọc loại sách ấy của mẹ thì… biết ăn nói với con cái làm sao? Chị quyết định hủy bỏ bản thảo. Thà nghèo một chút mà sạch, dễ dạy con.

Thực ra ở phương Tây có một dòng văn học ngôn tình được sáng tác kỹ lưỡng, tử tế, do các nhà xuất bản lớn đầu tư, mỗi năm xuất hiện chỉ một vài cuốn rất hay và ăn khách. Những cuốn sách này nghiên cứu công phu tâm lý tuổi mới lớn, thể hiện văn phong tinh tế, cung cấp cho bạn đọc trẻ lượng kiến thức có chọn lọc và bổ ích.

Trong khi đó, loại sách ngôn tình hiện nay ở Trung Quốc phần lớn là sách tình dục trá hình, rất dung tục, viết tràn lan như bệnh dịch trên mạng. Nó là một thứ rác văn hóa. Vì lợi nhuận mà một số người làm sách Việt Nam đã chộp lấy cơ hội, liên tục thuê dịch và chạy giấy phép xuất bản, vì nó đánh trúng tâm lý tò mò của đông đảo bạn đọc lứa tuổi mới lớn về đời sống tình yêu, tình dục. Nhiều cuốn sách ngay bìa 1 đã nổi lên cái tựa giật gân và hình ảnh phản cảm để câu khách. Có thể nói, sách ngôn tình, chủ yếu là tình dục trá hình trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, đã tới mức báo động. Đó là chưa kể nhiều bản dịch còn tung lên mạng khi không được cấp phép xuất bản.

Sách thiếu nhi hay sách cho tuổi mới lớn đều do người lớn làm. Việc sáng tác hay dịch thuật, biên tập, xuất bản đều do người lớn thực hiện. Trẻ em tuổi mới lớn chỉ là nạn nhân. Vậy lúc làm sách, trước những sai trái độc hại, lẽ nào người lớn không nghĩ đến con em trong chính gia đình mình sẽ đọc? Và hậu quả khôn lường do giới trẻ đọc sách độc hại gây ra mà nhiều bậc phụ huynh khác và xã hội phải gánh chịu tất nhiên những người làm sách thừa biết.

Tôi không tin vì lợi nhuận mà một số người làm sách đánh mất lương tri. Nhưng thực tế bày ra trước mắt thì không thể không tin. Chỉ khi nào các cơ quan có trách nhiệm thực sự quản lý chặt chẽ hơn trong khâu xuất bản, đồng thời những người lớn làm sách có lòng tự trọng, biết tự xấu hổ như nữ nhà văn trên, lúc đó vấn nạn sách cho giới trẻ mới được ngăn chặn.

PHAN NGANG

Tin cùng chuyên mục