"Em ơi mùa xuân đến rồi đó. Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời…". Dường như đã sẵn trong tiềm thức, cứ những ngày giáp tết, lời bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Trần Chung từ mấy mươi năm trước lại réo rắt vang lên khắp nẻo quê hương. Trong cái lạnh mùa đông ui ui mưa bụi, tiếng hát như những giọt nắng xuân ấm áp gieo vào lòng người, len lỏi trong từng ngõ phố, thôn quê, át đi cả những nhọc nhằn sau một năm ròng bươn chải.
Trong tiếng nhạc ấy, trên những tuyến đường bộ, đường sắt và cả đường sông, đường biển; từ thành thị đến thôn quê, từ những rẻo núi cao đến những hải đảo xa xôi; mọi người đang chứng kiến những đoàn người cùng những chuyến hàng dập dìu xuôi ngược, mang theo “một mùa xuân nho nhỏ” đến với những mảnh đời nghèo khó, quạnh hiu.
Một năm cũ nhiều khó khăn, sóng gió đã qua, nhưng những khó khăn, thách thức mới vẫn tiếp tục chực chờ. Dẫu vậy, truyền thống dân tộc luôn thôi thúc lòng người hướng về quê hương trong những ngày tết cổ truyền. Cùng với dòng Việt kiều từ nước ngoài trở về, nhiều người tha hương trong nước may mắn có chút điều kiện cũng chuẩn bị lên đường để mong hội ngộ người thân.
Nhưng bên cạnh đó, năm nay lại có rất nhiều công nhân, người lao động nghèo đến các đô thị kiếm sống không thể trở về, đành ở lại “quê mới” đón một cái tết quạnh hiu, thiếu thốn... Những công nhân trong tình cảnh ấy, riêng TPHCM đã lên đến hơn 86.000 người.
Đồng cảm với nỗi niềm, hoàn cảnh khốn khó của những người kém may mắn, bằng tình cảm và trách nhiệm, những tấm lòng sẻ chia tuy nhỏ bé nhưng đầy tình nghĩa của nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ quan đoàn thể, chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, đã trở thành nguồn động viên vô cùng to lớn. Trong mấy ngày qua, chứng kiến cảnh những công nhân ở TPHCM trong thân hình xanh xao, gầy guộc “tay bắt mặt mừng”, run run xúc động đến trào nước mắt khi nhận được quà là tấm vé xe đò về quê hay phần quà tết do các cơ quan, đoàn thể TP trao tặng từ tiền ngân sách và những tấm lòng hảo tâm, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Có những công nhân tâm sự rằng, từ ngày xa quê vào TP kiếm sống cả chục năm rồi mà chưa một lần được trở về bởi thu nhập không đủ sống. Có những vợ chồng phải gửi con ở quê cho người thân từ năm này qua năm khác mà không thể về thăm, vì “có bao nhiêu tiền tiết kiệm chỉ đủ gửi về mua sữa cho con”…
Và không chỉ ở thành thị. Nơi những vùng quê hẻo lánh, còn biết bao mảnh đời cũng đang ngóng đợi mùa xuân. Đã 10 năm rồi, đoàn Mùa xuân biên giới của Báo SGGP, với sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, cả sức người, sức của; đã đi, đã đến để chia sẻ mùa xuân với hàng vạn mảnh đời khốn khó, hàng vạn chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc. Trong lúc các đoàn công tác xã hội đang đến với đồng bào, thì tin “Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 12.550 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 5 địa phương để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012” được loan báo, càng khiến lòng người thêm ấm. Trong cái lạnh tê tái của mùa đông nơi miền núi phía Bắc, ở biên giới phía Tây, nơi vùng nắng ngọt phương Nam hay nhiều nơi khác, những món quà ấy chính là những ngọn lửa xua đi cái lạnh và nhen lên trong lòng người dân nghèo niềm tin và hy vọng, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục vượt qua khó khăn.
“Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời. Xuân ước vọng ngàn năm lại tới, nghe lòng vui phơi phới…”.
Tình người như mùa xuân. Tết đang đến rất gần. Mong cho mùa xuân ngày càng nhiều thêm, ấm hơn, để tất cả những mảnh đời còn khốn khó nảy lên chồi biếc.
Phạm Phương Đông