Đánh thức tiềm năng cảng biển

Trong các loại hình giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy, hàng không…) thì vận tải biển giữ vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Với 3.400km bờ biển, Việt Nam đứng thứ 36 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới. Nếu tính theo tỷ lệ độ dài bờ biển so với diện tích đất liền thì Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu. Đây quả là một tiềm năng to lớn và là một trong những điều kiện thuận lợi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế nước nhà.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đường biển đã có những đóng góp mang tính quyết định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã chú trọng phát triển đường biển để thông thương với thế giới. Từ đó những thương cảng lớn như Sài Gòn, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã lưu danh trên hệ thống hàng hải quốc tế. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta đã nhanh chóng củng cố và phát triển hệ thống cảng biển phục vụ quốc kế dân sinh.

Đến nay nước ta có 17 cảng biển loại một (Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…) và 23 cảng biển loại hai (cảng Nam Định, Quảng Bình, Quảng Nam, Vũng Rô, Cà Ná, Phú Quý, Vĩnh Long…).

Nếu tính theo số lượng, với 28 tỉnh thành của Việt Nam có biển thì hầu như tỉnh thành nào cũng đều có cảng biển. Song hệ thống cảng biển của nước ta hiện nay đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước hết, các cảng biển bố trí rất manh mún, chủ yếu theo địa giới hành chính chứ không phải theo yêu cầu phát triển kinh tế và đặc điểm địa lý. Hầu hết các cảng biển được xây dựng lâu đời, có cảng đã vài trăm tuổi. Một số cảng biển nông, luồng lạch chưa được khai thông, không đáp ứng yêu cầu những tàu hàng có tải trọng chục ngàn tấn cập bến. Các cầu cảng hiện hữu đều thuộc loại nhỏ, năng lực bốc dỡ kém, phương tiện lạc hậu. Hệ thống kho chứa tản mạn, không đảm bảo yêu cầu lưu kho, bảo quản, bảo đảm chất lượng hàng hóa…

Thực trạng cảng biển Việt Nam hiện nay đứng trước những thách thức rất lớn. Khi cảng biển ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí trở thành một yếu tố có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế đất nước thì yêu cầu xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại, đủ về số lượng, ngang tầm những cảng biển lớn của các nước trên thế giới được đặt ra một cách bức thiết. Trước những yêu cầu mới của vận tải hàng hải quốc tế - trong đó Việt Nam phải trở thành một đầu mối giao thông đường biển lớn của khu vực và thế giới, hệ thống cảng biển nước ta cần có sự thay đổi một cách căn bản.

Trước mắt phải quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cảng biển toàn quốc, xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Nhanh chóng hình thành những cụm cảng theo khu vực, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa chứ không phải phân bổ theo địa giới hành chính. Chú trọng xây dựng những cầu cảng lớn, có hệ thống xếp dỡ hiện đại và hệ thống kho tàng đủ lớn với những thiết bị chuyên biệt đáp ứng nhu cầu lưu trữ mọi loại hàng hóa của khách hàng. Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống đường giao thông tương xứng, đồng bộ để kết nối với cảng biển, tránh tình trạng có cảng mà không có đường hoặc ngược lại… Song song với việc xây dựng hạ tầng giao thông cần phải tổ chức một bộ máy quản lý tương ứng. Rất nhiều chuyên gia đã từng đề cập đến việc xây dựng mô hình chính quyền cảng biển bởi tính chất đặc thù của nó.

Tiềm năng về cảng biển của nước ta rất lớn, nhưng để biến nó thành hiện thực, thành sức mạnh vật chất, thành nền tảng kinh tế, rất cần sự chuyển bộ mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Quyết sách đúng trong việc xây dựng và quản lý hệ thống cảng biển hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nước ta 10 năm tới hoặc xa hơn nữa, đang là một đòi hỏi cấp bách đối với những nhà hoạch định chính sách.


Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục