Tuy nhiên cho đến nay, cơ chế và chính sách để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng gió vẫn còn nhiều hạn chế nên các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia.
Đánh thức tiềm năng điện gió
Tiềm năng nhiều, dự án ít
Theo Bộ Công thương, cùng với việc tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam cũng tăng rất nhanh, trung bình trong giai đoạn 2001-2010 lên tới 13%/năm và khoảng 11%/năm giai đoạn 2011-2015. Để đảm bảo an ninh năng lượng và bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã thi hành những chính sách nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng; trong đó, tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo. Mặc dù, có tiềm năng phát triển điện gió dọc bờ biển dài trên 3.000km², tương đương 10.000MW trên đất liền, nhưng tới thời điểm hiện tại, mới có 4 dự án với tổng công suất 159,2MW đi vào vận hành thương mại. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ suất đầu tư của điện gió cao, giá mua điện lại thấp và nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế, dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng, cho rằng việc phát triển năng lượng gió tại Việt Nam đang gặp nhiều rào cản về năng lực đánh giá và phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém, phụ thuộc công nghệ. Ngoài ra, rào cản về thể chế như chưa có quy hoạch quốc gia cho năng lương tái tạo, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thiếu hoặc chưa đủ mạnh và giá bán điện thấp cũng là những trở ngại để thu hút đầu tư phát triển điện gió. Thêm vào đó, những rào cản về tính kinh tế, thị trường như vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, khó tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu hoặc không thể tiếp cận thông tin về tiềm năng của năng lượng gió. Những rào cản này cũng đã và đang kìm hãm các dự án điện gió vào Việt Nam.
Liên quan đến việc đầu tư các dự án điện gió ở Việt Nam, bà Vũ Chi Mai, cán bộ dự án cấp cao của Chương trình Hỗ trợ phát triển năng lượng tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), cho biết theo nghiên cứu phạm vi vùng, không áp dụng dự án cụ thể chi phí đầu tư cho mỗi kilôoát điện gió tại Việt Nam là 1.870 USD, không bao gồm cơ sở hạ tầng, tính theo chi phí sản xuất quy dẫn (LCOE). Nếu áp dụng kịch bản tiết kiệm thì cũng tốn đến 1.500 USD/kW. Như vậy, suất đầu tư điện gió đang cao hơn 300-500 USD mỗi kilôoát so với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, ông Olivier Duguet, nhà sáng lập kiêm CEO của The Blue Circle, một đơn vị chuyên phát triển các dự án điện gió có trụ sở tại Singapore, lại nhận định: “Cho đến nay, dù tiềm năng điện gió cao nhưng các bài toán lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn để các tổ chức tín dụng rót vốn cho các dự án. Đó là chưa kể các tổ chức tín dụng ở Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam, chưa có thói quen cấp vốn theo dự án. Việc không dễ tìm nhà cung cấp vốn cho các dự án điện gió ở Việt Nam đang là khó khăn lớn nhất. Càng khó hơn nữa khi tìm nhà cấp vốn dài hạn cho dự án từ 10 - 15 năm”. Trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả Singapore, các ngân hàng cũng thường cấp vốn cho doanh nghiệp chứ không theo dự án. Cũng theo ông Oliver Duguet, giải pháp tìm vốn cho các dự án điện gió tại Việt Nam từ nay đến năm 2030 là phải có sự hợp tác của ngân hàng địa phương và ngân hàng quốc tế để cùng chia sẻ rủi ro. Các ngân hàng địa phương năng lực cấp vốn có giới hạn, cần sự đồng hành của ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, ngân hàng nước ngoài cần có ngân hàng địa phương để hiểu biết về thị trường, chủ đầu tư.
Xóa bỏ rào cản
Theo nhiều chuyên gia, trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió được đánh giá thân thiện với môi trường nhất và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. So với các nguồn năng lượng khác, khi sử dụng điện gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hay tái định cư và họ cũng không phải chịu thêm chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm như một số vấn đề của nhiệt điện. Ngoài ra, với đặc trưng phân tán và nằm sát khu dân cư, điện gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải, có thể tận dụng các đồi trọc để xây các tuốc bin gió, không gây ảnh hưởng đến đất đai canh tác. Cuối cùng, điện gió giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch phải nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá, khí đốt… Các nước đang phát triển rất cần tạo ra các chính sách để không làm khập khiễng đầu vào, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển năng lượng gió thay thế năng lượng truyền thống, vừa bảo vệ môi trường vừa tận dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên sẵn có, đỡ chi phí nhập khẩu năng lượng cho quốc gia. Trong đó, chính phủ mỗi quốc gia cần đóng vai trò chủ động nhằm đưa ra đường lối, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng gió; tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào năng lượng gió.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, đánh giá nhu cầu điện của Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 10%/năm. Điện gió sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng. Ngoài ra, điện gió cũng có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện đang gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa, hay các vấn đề về ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Để thu hút đầu tư các dự án điện gió, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung chính sách pháp lý, nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển, giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho các dự án điện gió. Bộ Công thương đã có văn bản trình Thủ tướng dự kiến tăng giá điện gió để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, các hợp đồng mua bán điện gió cũng được cam kết thời hạn ít nhất là 20 năm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.