Dành ưu đãi hợp pháp cho nhà thầu và hàng hóa nội

Ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

        Xem xét kỹ quy định về chỉ định thầu

Báo cáo với UBTVQH tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong ủy ban đề nghị lấy tên là Luật Mua sắm công, bởi cho rằng “đấu thầu” chỉ là một trong nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khi mua sắm bằng tiền của Nhà nước, tức “mua sắm công” (bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt).

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với các sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về ưu đãi đối với nhà thầu, ưu đãi đối với hàng hóa và phương pháp tính ưu đãi nhằm tạo cơ chế thuận lợi, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ thuật cho nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế; tán thành với quy định ưu tiên doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có trên 50% lao động là thương binh, người tàn tật như tờ trình của chính phủ, song đề nghị rà soát về sự tương thích của các ưu đãi này với các quy định về bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Về chỉ định thầu, một số ý kiến đề nghị không nên mở rộng như dự thảo luật, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay; trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác như quy định của Luật Đấu thầu năm 2005. Ý kiến khác đồng tình với cơ quan soạn thảo, cho rằng dự luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu, trong đó có trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu.

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo, song Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi: “Đấu thầu thuốc có nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này hay không?”. Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, luật này điều chỉnh cả hoạt động đấu thầu thuốc - một loại hàng hóa đặc biệt, nhằm đảm bảo cho người dân được sử dụng thuốc với giá hợp lý.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, sau khi được QH cho ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, kịp thời xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện, trình đồng thời với dự luật để QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Về các ưu đãi dành cho nhà thầu và hàng hóa trong nước, Bộ trưởng cho biết “đã rà soát kỹ, không có gì vi phạm các quy định của WTO”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm, dự luật lần này được soạn thảo theo hướng ngăn chặn cả hai loại hành vi: gộp thầu hay chia nhỏ các gói thầu để lách luật. “Ngoài hành vi chia nhỏ gói thầu để được chỉ định thầu thì cũng có trường hợp nhà đầu tư cố tình gộp thầu thành gói thầu lớn, phức tạp để làm khó các nhà thầu Việt Nam, dành việc cho nhà thầu nước ngoài” - ông Bùi Quang Vinh cho biết.

Cuối buổi chiều, UBTVQH thảo luận, nhất trí với việc sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp theo hướng cho phép đăng ký lại đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc sửa đổi được đề nghị QH thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp - kỳ họp thứ 5 sắp tới.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục