Vào khoảng cuối tháng 7 vừa qua, khi có thông tin cho rằng các cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị “Con Cưng” bán quần áo có dấu hiệu cắt tem nhãn để thay bằng tem nhãn với xuất xứ là “Made in Thailand”, Cục QLTT đã chỉ đạo chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xuống kiểm tra. Thậm chí cùng với hoạt động kiểm tra của cán bộ QLTT còn có thêm vài cơ quan báo chí đi theo để đưa thông tin. Các hình ảnh, clip về quá trình kiểm tra được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vội vàng “kết tội” với các sai phạm “như đúng rồi” cho doanh nghiệp này. Đến ngày 31-7, Cục QLTT còn tổ chức họp báo để chính thức công bố những sai phạm rất nặng nề tại “Con Cưng”. Khi “Con Cưng” kêu oan, Bộ Công thương đã phải lập đoàn kiểm tra làm rõ. Sau khi kiểm tra hàng ngàn sản phẩm bị tạm giữ mà không tìm thấy sai phạm đáng kể, đến ngày 16-8, Bộ Công thương phải ra thông báo kết luận, “Con Cưng” không bán hàng lậu, hàng giả như báo chí đã dẫn thông tin của cơ quan QLTT.
Đằng sau sự việc đó là gì thì còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng từ vụ việc này, nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp thường bị cơ quan QLTT làm khó, gây sức ép. Từ trước đến nay, đã có nhiều lần người dân, doanh nghiệp tố bị cán bộ QLTT vòi vĩnh, làm tiền trắng trợn...
Tuy nhiên nói đi cũng cần nói lại, không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn đàng hoàng, chân chính; số gian lận thương mại, lừa đảo, trốn thuế… cũng không hề ít. Dư luận vẫn còn chưa quên vụ một thương hiệu lớn, được du khách nước ngoài cũng như nhiều người tiêu dùng trong nước biết tiếng như Khai Silk (chuỗi cửa hàng bán lụa tơ tằm) ở Hà Nội đã bị chính người tiêu dùng phanh phui hành vi nhập khăn giá rẻ của Trung Quốc về Việt Nam để bóc mác, dán nhãn Khai Silk rồi bán giá cao. Vụ việc bị phát giác vào tháng 10-2017 nhưng đã kéo dài nhiều năm, nên dư luận rất bất bình. Sau đó, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để đề nghị xử lý hình sự, nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa động tĩnh. Mới đây, dư luận còn thêm choáng váng khi chuỗi cửa hàng Mumuso quen thuộc với nhiều bạn trẻ đã nhập tới 99,3% hàng hóa từ Trung Quốc nhưng quảng cáo xuất xứ là Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, sau những tên tuổi, thương hiệu này, liệu còn những cửa hàng, siêu thị nào nữa?
Rõ ràng, ngay cả các thương hiệu lớn, tưởng chừng đã có uy tín cũng làm ăn gian dối. Vẫn cần những cuộc thanh tra, kiểm tra để phát hiện, kiên quyết mạnh tay với những doanh nghiệp làm ăn gian lận. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là QLTT. Nhưng kiểm tra phải trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tôn trọng quyền lợi của doanh nghiệp, xử lý đúng theo đạo đức công vụ, không được sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, kết quả kiểm tra phải khách quan, minh bạch. Doanh nghiệp gian dối phải bị thải loại, doanh nghiệp chân chính không bị oan khiên. Người tiêu dùng cần biết sự thật về hàng hóa mà họ mua và sử dụng.
Nhưng để có cán bộ tốt, công tâm cũng không dễ, vì vậy, cần phải có sự kiểm soát, sắp xếp lại, để lực lượng QLTT hoạt động tinh gọn mà hiệu quả hơn. Mới đây, Thủ tướng đã có quyết định nâng cấp Cục QLTT lên thành Tổng cục QLTT, đồng thời cũng tinh giản, sắp xếp, tổ chức lại 681 đội quản lý thị trường cấp huyện, thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, giảm 305 đội. Đây gần như là cuộc “đại phẫu” lực lượng QLTT hiện nay, nhưng kết quả có thực sự chuyển biến hay không thì còn chờ cách làm của Bộ Công thương.