Chúng ta đều biết âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật có tính quần chúng vô cùng rộng rãi, do đó khi xảy ra một sự kiện liên quan đến âm nhạc rất dễ thu hút sự quan tâm của quần chúng. Có thể thấy điều đó trong một câu chuyện gần đây: Bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng, cậu sinh viên nhạc viện, 20 tuổi, quê Thái Bình, vùa ra mắt ngày 20-10, liền bị dư luận tố cáo là giống bài Because I miss you của Jung Jong Hwa, trưởng một nhóm nhạc Hàn Quốc.
Cục Bản quyền đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đứng ra mời một số nhạc sĩ có uy tín xác minh vụ việc. Ngày 10-11, nhóm nhạc sĩ này công bố kết quả thẩm định: Có hiện tượng đạo nhạc một cách tinh vi và hai bài hát giống nhau khoảng 80%. Tiếp đến, Hiệp hội Ghi âm Việt Nam cũng đồng tình với kết luận này, đồng thời Ban tổ chức “Làn sóng xanh” quyết định loại Sơn Tùng khỏi danh sách đề cử lần này.
Trong dư luận, cũng có ý kiến ngược lại là Sơn Tùng không đạo nhạc nếu đối chiếu từng nốt nhạc trong hai bài (kiểu cũ khi kiểm tra đạo nhạc), mà chỉ vay mượn thôi. Một ý kiến khác thì Sơn Tùng có cố tình đạo nhạc hay không, chỉ có lương tâm cậu ta biết, nhưng người nghe cảm nhận giai điệu và tiết tấu cùng phong cách và nhạc cảm Hàn Quốc có thể đã ngấm sâu vào người cậu ta rồi, nên khi viết ra từ cách tiến hành giai điệu và tiết tấu, đến cách tiến hành hòa âm đều giống nhạc Hàn Quốc và đây cũng là điều không thể chấp nhận dù vô tình hay hữu ý. Đầu tháng 11 vùa qua, cậu ta đã từng thú nhận với một nhà báo là mình rất yêu thích nhạc Hàn Quốc và thường xuyên nghe nhạc này để “cập nhật xu hướng sáng tác”(!).
Được biết trước đây, có 3 bài hát của Sơn Tùng là Em của ngày hôm qua, Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần cũng từng bị dư luận quần chúng phát hiện là giống bài hát nước ngoài.
Vụ việc kể trên không phải là lần đầu tiên được xới lên. Khá nhiều nghi án đạo nhạc đã bị phát hiện. Bên cạnh một số trường hợp tác giả còn “cãi chày cãi cối”, “bên bị bên nguyên” bất phân thắng bại, có một số trường hợp người bị tố lúc đầu còn chối cãi, rốt cuộc cũng phải nhận lỗi trước các chứng cứ cụ thể. Thế nhưng việc xử lý hành động vi phạm lại rất nhẹ nhàng, kiểu “giơ cao đánh khẽ”, nên không làm những người xấu khác chùn tay. Thậm chí có người trong số “thủ phạm đạo nhạc” này liền ngay sau đó còn được một số công ty, cơ quan mời tham gia hội đồng này, ban bệ nọ để đánh giá hoạt động âm nhạc của những người khác (!).
Vi phạm bản quyền tác giả là vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh. Mặt khác, đây còn là hành động vi phạm đạo đức, làm giàu trên chất xám của người khác cần bị trừng phạt. Dư luận quần chúng gần đây còn lên án một số ca sĩ không dùng lời ca tiếng hát của mình để vươn tới đỉnh cao nghệ thuật mà tiến thân bằng cách ăn mặc hở hang, phô bày bộ phận cơ thể nhạy cảm nhằm thu hút thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng để được nổi tiếng.
Điều đáng lo ngại nữa là tinh thần dân tộc trong một bộ phận giới trẻ hoạt động âm nhạc đang xuống dốc đáng ngại. Bản sắc dân tộc trong các sáng tác của số người này đang phai mờ và thay vào đó là âm hưởng nhạc ngoại xâm nhập vào từng nét nhạc, từng câu đoạn của bài sáng tác. Công bằng mà nói, có một số bạn trẻ không cố tình đạo nhạc nước ngoài, nhưng một khi tiếp nhận cái hay cái đẹp của âm nhạc thế giới mà thiếu chọn lọc, cân nhắc đồng thời không có vốn âm nhạc dân tộc tích lũy trong người để làm “chất đề kháng”, tất dễ sinh ra những đứa con tinh thần ngoại lai.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam cho thấy những nhạc phẩm để đời, sống lâu dài trong lòng quần chúng hầu hết đều mang đậm bản sắc dân tộc. Nhìn ngoại hình một số nhạc sĩ, ca sĩ trẻ khi xuất hiện trước quần chúng, từ trang phục đến tóc tai, ai chưa biết mặt sẽ dễ nhầm tưởng đây là nghệ sĩ nước ngoài. Những kiểu bắt chước kệch cỡm này rõ ràng là thiếu lòng tự tôn dân tộc.
Rèn luyện đạo đức và tinh thần dân tộc không phải là con đường bằng phẳng mà nhiều chông gai, khó khăn, thế nhưng đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ luôn phải phấn đấu thực hiện để làm tròn trách nhiệm cao quý là những kỹ sư tâm hồn được quần chúng tin tưởng.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC