Đào tạo nghề theo yêu cầu

Không thể nghèo mãi, đó là trăn trở, là lời nhắn nhủ về trọng trách của học sinh, sinh viên trước vận mệnh đất nước của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ khai giảng của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TPHCM mới đây. Đúng vậy, chúng ta không thể nghèo mãi, tụt hậu mãi vì nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu hụt nguồn nhân lực từ trình độ kỹ thuật đến chất lượng cao cho phát triển, hội nhập sâu. Để nền kinh tế nước nhà bứt phá, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia “made in Việt Nam” thì cần nhiều doanh nghiệp (DN) lớn mạnh hội đủ năng lực, có sức cạnh tranh cao trên thương trường. Và để tạo dựng thương hiệu, sản phẩm quốc gia, DN cần rất nhiều kỹ thuật viên giỏi nghề, kỹ năng thành thục, tư duy sáng tạo.

Thế nhưng, nhìn lại thực tế, bức tranh dạy nghề ở Việt Nam đang bộc lộ nhiều gam xám, tụt hậu, trong đó số lượng trường nghề đông nhưng không tinh, chất lượng đầu ra thấp. Đó là vừa thiếu kỹ năng thực hành vừa yếu ngoại ngữ, công nghệ, tác phong công nghiệp... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra những con số đáng suy ngẫm: Hiện nay cứ 100 lao động thì chỉ có 20 người có bằng cấp, trong đó chỉ 4,5% có bằng trung cấp, 2,8% có bằng cao đẳng và 8,4% có bằng đại học. Trong khi DN cần nhiều kỹ thuật viên giỏi thì các trường nghề chưa đào tạo được những con người có trình độ, kỹ năng nghề phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại mà họ cần.

Theo các chuyên gia về lao động, để tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp thoát nghèo, Việt Nam cần đầu tư cho chiến lược xuất khẩu nhân lực thông qua đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề theo chuẩn khu vực, quốc tế. Cùng với hành trang này, các trường nghề phải trang bị năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn để người lao động có thể giao tiếp lưu loát, tự tin tham gia thị trường lao động toàn cầu.

Kinh nghiệm từ ngành công nghiệp không khói - xuất khẩu lao động của Philippines mang về cho nước này hơn chục tỷ USD/năm đáng để chúng ta học tập nhằm thoát nghèo nhanh. Ngoài trình độ tay nghề, sự chịu khó tận tụy với công việc, lao động Philippines có ưu thế về khả năng giao tiếp tiếng Anh giỏi. Họ có thể đi khắp thế giới, làm bất kỳ công việc nào từ giản đơn như làm việc nhà, làm thợ sửa chữa nhỏ đến các ngành nghề phức tạp, đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao. Như thế, muốn thoát nghèo, học sinh, sinh viên phải nỗ lực, chủ động trang bị cho mình hành trang về trình độ kỹ thuật, công nghệ và khả năng ngoại ngữ đủ chuẩn. Đại học không phải là đích đến, lựa chọn duy nhất và lập nghiệp bằng một nghề vững chắc sẽ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập ổn định để thoát nghèo. Nhưng muốn học nghề ra nghề, giúp học sinh, sinh viên gởi gắm ước mơ nghề nghiệp, trở thành kỹ thuật viên giỏi thì các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề phải tự nâng cấp, tạo ra môi trường học nghề lý tưởng, thực học - thực hành. Muốn có trường nghề tốt, sinh viên có cơ hội thực hành kỹ năng, thực tập tại doanh nghiệp thì các trường nghề phải đổi mới tư duy, phải chủ động làm mới mình. Theo đó, họ phải khẳng định tên tuổi, thương hiệu của mình bằng cam kết chất lượng đào tạo - “Học xong có việc làm ngay”. 

Thực tế cho thấy, hệ thống trường nghề trong cả nước đang bị phân tán, quản lý manh mún, cục bộ và đầu tư dàn trải, đào tạo ngành nghề trùng lắp... Vì thế, bên cạnh việc rà soát, đánh giá năng lực của các cơ sở dạy nghề, các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch lại mạng lưới các trường. Cần kiên quyết xóa bỏ những trường nghề đào tạo không hiệu quả, tuyển sinh èo uột hoặc sát nhập những cơ sở manh mún thành trường đủ mạnh, đủ chuẩn, có sức hút, hấp dẫn người học nghề. Mở rộng hơn nữa cơ chế trao quyền tự chủ cho các trường nghề nhằm tạo ra đột phá, tư duy mới năng động, sáng tạo. Để cạnh tranh, phát triển lành mạnh, các trường nghề sẽ chủ động tìm đến doanh nghiệp mời chào sản phẩm đạt chuẩn hoặc ký kết đào tạo theo yêu cầu của họ, thay vì thụ động, có gì đào tạo nấy. Đúng như nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi các lò đào tạo nghề cung ứng nguồn nhân lực giỏi nghề, tinh nhuệ về kỹ thuật, công nghệ sẽ tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế của chúng ta mới cất cánh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đây chính là bệ phóng để Việt Nam tự tin bơi ra biển lớn hội nhập và nó là con đường ngắn nhất để chúng ta thoát nghèo, tránh tụt hậu xa hơn.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục