Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thể hiện qua năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN là chuyện đã được các nhà khoa học nói đến từ lâu nhưng dường như các nhà hoạch định chính sách không mấy quan tâm, có lẽ vì cho rằng Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài là do có “lao động giá rẻ” và có “lợi thế của người đi sau”… Nhưng khi đứng trước ngưỡng cửa của hội nhập vào thị trường lao động tự do của khối ASEAN thì những “lợi thế” đó bỗng trở thành lực cản và thách thức mới.
Hiện nay, thị trường lao động ASEAN có những đòi hỏi của nó mà lao động Việt Nam khó đáp ứng, đó là 3 vấn đề chính về kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Thực ra 3 vấn đề này không quá khó đối với trình độ nhận thức và năng lực lao động của người Việt Nam. Bằng chứng là trong các cuộc thi quốc tế, học sinh Việt Nam luôn đạt được nhiều huy chương các loại về các môn toán, lý, hóa, kiến trúc, chế tạo robot… Đặc biệt trong cuộc thi tay nghề ASEAN 2014, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đứng thứ nhất. Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy, đó là kiểu đào tạo “gà nòi”, đào tạo để đi thi, còn nhìn chung thì mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực thấp hơn nhiều so với các nước trong vùng.
Theo số liệu đã công bố thì hệ thống các cơ sở đào tạo trên địa bàn TPHCM gồm các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm nghề, hàng năm đào tạo được 150.000 người - trong đó gần một nửa (70.000 người) tốt nghiệp đại học và cao đẳng… Nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại rất nhiều mới có thể làm việc được. Thực tế trên phản ánh một nghịch lý, con người Việt Nam vốn thông minh, chăm chỉ, ham học, nhưng hiệu quả làm việc lại thấp - kể cả trình độ sau đại học.
Cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng chế tạo những con ốc vít điện tử đạt tiêu chuẩn quốc tế… Số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á nhưng đề tài nghiên cứu lại ít nhất. Hơn 20 học sinh là quán quân trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đã đi du học nhưng chỉ có 1 em trở về Việt Nam làm việc.
Như vậy chỉ có thể giải thích nghịch lý này từ những chính sách giáo dục - đào tạo và quản lý xã hội ở tầng vĩ mô. Về giáo dục đào tạo, các nhà khoa học đã lên tiếng từ lâu về những bất hợp lý kéo dài như: chương trình giáo dục vượt quá sức tiếp thu của các lứa tuổi trung học; cách dạy nhồi nhét kiến thức nhằm đạt chỉ tiêu, thành tích; học thêm, dạy thêm đã làm cho tuổi trẻ bị quá tải về nhận thức, mất dần khả năng sáng tạo khi học lên cao hơn hoặc bước vào thị trường lao động… Đó là một số nguyên nhân chủ yếu làm cho mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp.
Về chính sách xã hội, giáo dục đào tạo được xác định là quốc sách nhưng khi thực hiện dường như bị làm ngược lại. Chẳng hạn, việc bỏ chế độ giáo dục miễn phí ở bậc trung học đã làm giảm số người được đi học và rút ngắn thời gian được đào tạo (những gia đình thu nhập thấp mà có hai người con đi học thì ít nhất 1 người phải bỏ học, hoặc không có tiền để học cao hơn).
Ở đồng bằng sông Cửu Long, năm học 2012 - 2013 có đến hơn 35.500 học sinh THPT phải bỏ học, phần lớn do đời sống khó khăn. Như thế, vài năm sau lớp người này đi làm công nhân và chỉ được đào tạo ngắn hạn thì không thể có trình độ tay nghề cao. Thực tế nêu trên cho thấy cả chính sách, nội dung và phương pháp giáo dục đều là những nguyên nhân tạo ra nghịch lý: số lượng đào tạo rất nhiều nhưng chất lượng lại rất thấp. Rõ ràng, những thách thức trước mắt về hội nhập lao động không phải do yêu cầu của thị trường khu vực quá cao mà do năng lực đào tạo nguồn nhân lực của ta còn thấp.
Chưa kể đến kinh nghiệm nước ngoài, chỉ cần nhìn vào giáo dục Việt Nam thời kháng chiến thấy rõ, khi mới giành độc lập, hơn 90% dân số mù chữ nhưng chỉ bằng phong trào bình dân học vụ, bằng những ngôi trường lợp lá đơn sơ trong rừng mà thời đó đã đào tạo ra lớp người có đủ trí tuệ và kỹ năng lao động, chiến đấu để đánh bại các thế lực thực dân đế quốc mạnh nhất thế giới. Đó là nền giáo dục không mắc bệnh thành tích, không bị thương mại hóa và học từ thực tế, học để làm việc…
Đào tạo nguồn nhân lực là sự nghiệp trồng người nên phải tính hàng trăm năm. Do đó nghị quyết “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục đào tạo mới ban hành không phải là giải pháp ngắn hạn, mà trước mắt phải là những chính sách nhằm giữ lại bộ phận nhân lực chất lượng cao, đồng thời thu hút người thực tài về nước. Việc soạn thảo chính sách có tính khoa học đã khó, việc thực hiện còn khó hơn khi mà người ta “tính nhầm” hàng ngàn tỷ đồng trong đề án đổi mới giáo dục hay khi đi xin việc cần phải có “bôi trơn” thì mới trôi chảy.
Tiến sĩ NGUYỄN HỮU NGUYÊN
(Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia)