Các lô hàng ở Việt Nam xuất đi một số thị trường bị trả lại, lý do là không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng yêu cầu của nước sở tại, điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của hàng Việt.
Bị chặn vì dính chất cấm
Bài toán dư lượng chất cấm trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là tôm, hiện vẫn chưa tìm ra lời giải triệt để. Từ đầu năm 2014, cơ quan chức năng Nhật Bản và châu Âu (EU) liên tiếp cảnh báo về việc phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn tối đa cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 14-3-2014 Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã có 7 lô hàng tôm nuôi bị cảnh báo Oxytetracycline. Thậm chí, phía Nhật Bản đã cảnh báo sẽ cân nhắc ban hành lệnh cấm/tạm ngừng nhập khẩu nếu các vi phạm tiếp tục tăng.
Cùng với tôm, sản phẩm kẹo dừa Bến Tre của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada cũng vừa nhận được cảnh báo an toàn của Bộ Y tế nước này. Cuối tháng 5-2014, Cơ quan kiểm tra chất lượng thực phẩm, Bộ Y tế Canada tuyên bố thu hồi kẹo dừa Bến Tre thương hiệu Bà Hai Tỏ do không khai báo thành phần lạc (đậu phộng) trên bao bì sản phẩm.
Theo thông báo từ Cơ quan kiểm tra chất lượng thực phẩm Canada, từ ngày 30-5-2014, kẹo dừa Bến Tre thương hiệu Bà Hai Tỏ loại 400g chính thức bị thu hồi trên toàn nước Canada. Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ ý kiến khách hàng xung quanh việc thông tin về thành phần lạc (đậu phộng) có trong sản phẩm không được in trên bao bì. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng bị dị ứng với thành phần này. Canada đang phải tiến hành thu hồi lại sản phẩm này tại từng điểm bán lẻ và đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng nếu đã mua sản phẩm này thì nên bỏ đi hoặc mang trả lại nơi mua hàng.
Ngoài các sản phẩm nói trên, đầu năm 2014, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã đăng tải thông cáo của hãng hóa - mỹ phẩm Mentholatum về việc sản phẩm thuốc nhỏ mắt bị thu hồi bao gồm Rohto Arctic, Rohto Ice, Rohto Hydra, Rohto Relief và Rohto Cool với nhãn “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam).
Quyết định thu hồi thuốc nhỏ mắt Rohto khiến người tiêu dùng tại Mỹ và thế giới rất quan tâm vì sản phẩm Made in Vietnam không chỉ được bán tại Việt Nam, mà cả tại những nơi khác trên thế giới.
Theo thông cáo của Mentholatum, Công ty Mentholatum (Mỹ) đề xuất việc thu hồi này do quy trình sản xuất ở Nhà máy Mentholatum Việt Nam đang được FDA yêu cầu rà soát các mặt, kể cả mặt kiểm soát vô trùng. Đến nay không có bằng chứng nào khẳng định sản phẩm của công ty không đủ tiêu chuẩn. Nhưng công ty quyết định thu hồi sản phẩm để đề phòng các sản phẩm này được bày bán rộng rãi ở khắp nước Mỹ và Mentholatum không công bố số lượng thu hồi.
Mentholatum khẳng định chỉ thu hồi những sản phẩm thuốc nhỏ mắt sản xuất tại Việt Nam, chứ không phải những sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản.
Cần chủ động tiếp cận tiêu chuẩn các nước
Ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu da giày Việt Nam, ngành da giày hiện chưa có được tiêu chuẩn an toàn về các chất hóa học trong sản phẩm nên chất lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu không được kiểm soát. Tình trạng chưa xây dựng được tiêu chuẩn chung cho ngành còn khiến các doanh nghiệp trong nước chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng khi sản phẩm giày, dép nhập khẩu vào Việt Nam không gặp bất cứ rào cản kỹ thuật nào.
Trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chuẩn an toàn từ các thị trường nhập khẩu sản phẩm giày, dép lớn trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, EU… Viện nghiên cứu da giày Việt Nam dự kiến sẽ lấy các tiêu chuẩn thấp nhất áp dụng cho ngành da giày Việt Nam. Lộ trình đến năm 2015 sẽ áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn cho một chất hóa học như formandehit, thủy ngân, chì…, lộ trình đến năm 2020 sẽ tiếp tục áp ngưỡng tiêu chuẩn thêm cho 5 hóa chất.
Còn tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU 2014” diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đã đưa ra khuyến cáo cơ hội thâm nhập vào thị trường EU sẽ mở rộng hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, nhưng để khai thác và giữ vững thị trường này cần nỗ lực đáp ứng các quy định tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật.
Vì vậy, việc nâng cao năng lực cập nhật thông tin không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, ngành hàng, mà còn đóng vai trò quan trọng về cải thiện những vấn đề tuân thủ pháp lý, quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường quốc tế. Bởi lẽ, phải thực hiện được các quy định về tiêu chuẩn của quốc gia, các doanh nghiệp mới hiểu và có cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Âu - Mỹ. Bên cạnh các tiêu chuẩn của các quốc gia sở tại, các doanh nghiệp cũng cần chú ý các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức tư nhân. Hiện nay, có hơn 40 tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật gây cản trở cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Anh Trịnh