Long Đại có nghĩa Rồng Lớn, một con sông dài chừng trăm cây số, chi lưu chính tạo nên sông Nhật Lệ trứ danh. Sâu bên trong lưu vực của sông Long Đại là vùng đất truyền thuyết của người anh em Vân Kiều xã Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình). Chúng tôi đến xứ sở này như lạc vào miền đất thảo dã đủ kỳ hoa dị thảo...
Ngược dòng Long Đại
Nhà báo Hà Ngọc Khang, Phó Giám đốc Đài truyền thanh huyện Quảng Ninh, được xem như “nhà địa phương học” của xứ này. Lăn lộn bao nhiêu năm với nghề, góc nào anh Khang cũng biết và hay “vỡ lòng” cho mọi người nếu muốn ngược lên thượng nguồn từ bến phà Long Đại (xã Hiền Ninh ở bên Đông Trường Sơn). Anh Khang có kiến thức bản địa rất sâu về con sông này: “Con sông xuất phát từ đỉnh 1001 ở xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy trên Tây Trường Sơn. Chi lưu của nó gồm các khe rào lớn trong khu vực đổ về từng hẻm núi. Nếu sông chính là Rồng Lớn thì các chi lưu là chân, móng vuốt trải dài trên các ngọn núi, rồi đổ về tạo ra con sông ngoạn mục này”.
Từ bến phà Long Đại, chạy chừng 10 phút đò máy làm bằng vỏ nhôm máy bay, nhìn xa như chiếc lá tre giữa tứ bề nước trong veo. Anh Hà ở xứ Hiền Ninh, mưu sinh bằng nghề chở bạch đàn của người Vân Kiều trồng đem bán cho miền xuôi từ chiếc đò máy nhôm anh mua 20 triệu đồng. Anh Hà kể: Ngày trước ở khu vực này, đò vỏ nhôm bị bom máy bay phá cũng nhiều, rồi máy bay bị bắn hạ rơi sông hoặc bị đâm vào vách núi, được người dân ngược xuôi dòng Long Đại lấy về làm đò để vượt thác dọc con nước. Nay nhôm từ máy bay đã hết, cả xứ chỉ còn chừng chục chiếc cũ kỹ, bà con đi mua nhôm về gia công như xuồng ba lá ở miền Nam để bán cho những người lái đò như anh Hà. Chỉ có thứ đò máy này mới “trị” được con nước thất thường đầy đá nhọn ở vô số thác nước dọc sông.
Vượt thác Tam Lu ngoạn mục
Chúng tôi ngỡ ngàng, dọc con sông có những cái tên lạ lẫm vô cùng. Có đoạn được đặt bến Hôi nên người Vân Kiều đặt tên bản của họ thành Hôi Rấy. Có đoạn họ gọi bến Lùi. Lên con thác đẹp nhất xứ ở thượng nguồn thì họ gọi tên thác là Tam Lu. Tôi tò mò vì sao có những cái tên như thế, các nhà địa phương học thường giải nghĩa theo cách nhìn của người miền xuôi mà không có tri thức của anh em Vân Kiều, thành ra sách địa chí của mấy trăm năm trước cũng thiếu vắng ngọn nguồn hồn cốt nơi đây.
Nghe chuyện bản địa
Có 17 bản của anh em Vân Kiều sống dọc lưu vực sông Long Đại ở hai xã Trường Xuân và Trường Sơn. Nơi đây cho chúng tôi nhiều giải thích bản địa lý thú trong tâm hồn của bà con Vân Kiều. Già Hồ Thao, sống sâu trong góc núi Ba Rem, trước mặt có bến sông. Gần 80 tuổi, ông là thầy thuốc cả xứ Vân Kiều của Quảng Bình và Quảng Trị, chuyên xương khớp với các phương thuốc bí truyền đỉnh cao từ núi rừng Long Đại.
Chúng tôi hỏi già Hồ Thao vì sao lại có tên thác Hôi và bến Hôi? Ông thủng thẳng trả lời, ngày xưa ở chốn đó đi vào mùa mưa có mùi rất hôi. Khu vực ấy có rừng cây Pơ ui, gỗ rất tốt, bạt ngàn nhưng đến mùa mưa nhựa của nó trộn với nước chảy ra sông, ai đi qua cũng nghe mùi chua khó chịu nên đặt tên Hôi. Còn người miền xuôi giải thích là vì qua đó thấm mệt rồi đổ mồ hôi và gọi là Hôi. Ông cũng lý giải vì sao gọi bến Lùi: “Ấy là do khe nước. Sông chảy về xuôi nhưng đến khe Lùi có một nhánh chảy ngược lại nên dân bản đặt tên bến Lùi”.
Người xuôi đặt tên thác Tam Lu, một ngọn thác cao 20m. Các sách địa chí mấy trăm năm nay đều do thầy học người Kinh viết nước chảy như nghiêng lu mà dội. Thác có 3 bậc nên gọi là Tam Lu. Nhưng với già Hồ Thao hay anh em Vân Kiều, nó có tên gốc là Pay Pa Rùng - thác ba cấp. Một tên gọi đơn giản, mộc mạc, bản địa mà nguyên thủy.
Hồ Thao còn kể: “Pay Pa Rùng là ngọn thác linh thiêng, gắn chặt với truyền thuyết sinh ra người Vân Kiều ở dãy Trường Sơn. Nó cũng là nơi gắn kết với ngọn cờ khởi nghĩa Cần Vương ở xứ này để theo vua Hàm Nghi chống Pháp”. Ấy là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có cụ Dương Tỵ người gốc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chiêu mộ dân rồi ngược ngàn lên xứ Pay Pa Rùng lập căn cứ theo phong trào khởi nghĩa Cần Vương. Thời đó, sử sách còn ghi lại đây là khu vực bí ẩn nhưng trù mật, Pháp triển khai quân càn quét bao nhiêu lần cũng không thắng được anh em Vân Kiều và nghĩa sĩ Cần Vương. Sau này khi phong trào Cần Vương tan rã, nghĩa quân kẻ ở người về quê nhưng họ đều là tấm gương tốt cho bao thế hệ bên dòng sông Long Đại.
Trăm thác mở ra vùng văn hóa bí ẩn
Tuổi trẻ của Hồ Thao là lính của bộ đội Trường Sơn, đi lại dọc con sông này đã hàng trăm lần nên ông hiểu tâm tính cũng như nguồn cội của nó. Ông nói, Long Đại dài chừng 100km nhưng có đến 100 thác nước lớn nhỏ. Còn anh em ở phía Trường Sơn nói có hơn 110 thác nước, bởi có những thác nước chỉ mùa mưa mới xuất hiện. Theo già Hồ Thao, có nhiều thác nước nổi tiếng từ xưa được lưu sử sách địa phương như thác Bãi Doòng, thác Rãi, Đá Búa, Oong, Bồng, Cổ Tràng, Bề Đền, Mụt, Lôộc Côộc, Tam Lu, Hôi, Chỏi, Cạn, Bến Đường, Chàn Lụa... Đấy là một dòng sông ngoạn mục, thác nào cũng đẹp tựa cõi tiên. Kỳ vĩ nhất là thác Chàn Lụa xuất hiện chỉ 4 tháng trong một năm khi mưa về. Nước chảy hùng mạnh, ầm ào, đường nước kéo từng vệt dài, dày như lụa nên người dân đặt tên thác Chàn Lụa...
Long Đại không chỉ có tự nhiên đáng ngưỡng mộ mà nền văn hóa bên trong bản làng của người Vân Kiều còn cho thấy sắc thái văn hóa phong phú với những lớp trầm tích bện chặt dấu ấn thời gian.
Già Hồ Thao tiếp khách trong căn nhà nhỏ ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân. Ông xem chúng tôi như khách quý nên đãi chúng tôi bằng thịt gà rừng theo phong tục Nhên Pltruôn. Ông làm một con gà tốt nhất, luộc cái đầu trước rồi rút cái mỏ dưới không để bị xước, lột bỏ hai cái mắt bằng lá cây sau đó mới đưa cho khách. Ông bảo, nâng chiếc đầu gà ngang tầm mắt, nếu vách sụn giữa hai hốc mắt của đầu gà có lỗ tròn thông nhau xin báo lại. Chúng tôi làm theo chỉ dẫn, rồi báo với già Hồ Thao đúng nó thông nhau. Ông vỗ đùi, đó là điềm hay cho cả chủ và khách. Tình nghĩa bạn bè từ đây ngày mỗi gắn kết, cơ hội gặp nhau, giúp nhau sẽ ngày càng nhiều.
Đang nói chuyện, bất giác chúng tôi nhìn lên mái nhà của gia đình già Hồ Thao, thấy bên trên có 5 chiếc bát đựng trong 5 cái kiềng tre đan thủ công. Hỏi ra, già cho biết, ấy là bàn thờ giỗ sống các đứa con của ông. 17 bản của người Vân Kiều bên sông Long Đại, nhà nào cũng có trang thờ này. Người Vân Kiều khi sinh ra được làm lễ buộc chỉ cỏ máu (sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng), với mong muốn hồn đứa trẻ ở lại trần thế với xác thịt. Từ đó, gia đình lập bàn thờ, giỗ sống đứa bé vào ngày 18-8 mỗi năm, đấy gọi là lễ xana chiết, bàn thờ là chiếc bát bỏ trong giỏ tre rừng, sát cột nhà ma.
Lúc 8 tuổi, thiếu niên Vân Kiều được tổ chức lễ mừng hồn, đó là lúc họ tin hồn của đứa bé đã gắn chặt với thân xác, không đột ngột về trời. Và chiếc bát trong giỏ tre sẽ đưa lên cao hơn một bậc. Khi 18 tuổi, cánh tay chàng trai Vân Kiều đủ rộng như đôi cánh đại bàng lớn, sẽ được gia đình làm lễ rặp chăm pa rơ - mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ của mạng sống chàng trai lại đưa lên sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc đời thông minh với những kỹ năng sinh tồn giữa núi rừng...
Ngày nay, người Vân Kiều dọc Long Đại đang trồng rừng xóa nghèo, làm giàu. Họ rất mừng khi 15 thủy điện lớn nhỏ trên con sông này đã được phế bỏ hoàn toàn. Hồ Thao nói: “Đó là quyết định sáng suốt. Bản làng được giữ lại. Văn hóa được giữ lại. Tự nhiên được bảo tồn. Đất đai Vân Kiều vẫn yên phận. Đó là may mắn của đất đẹp bản làng”.
Minh Phong