Tại các buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội gần đây và trước đó là tiếp xúc đại biểu HĐND TPHCM, diễn đàn đã “nóng” hơn rất nhiều với những ý kiến hết sức thẳng thắn, không ngại va chạm và đầy tinh thần trách nhiệm của cử tri. Sức ép này đang đặt ra cho đại biểu của dân càng phải đặt mình vào vị thế người dân để góp phần giải quyết việc nước, việc dân, từ đó thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội và HĐND các cấp ở TPHCM đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của đất nước, của địa phương. Nhiều đại biểu của dân tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Những phiên chất vấn sôi động được truyền hình trực tiếp, thu hút đông đông đảo cử tri theo dõi, qua đó chuyển tải nhiều vấn đề bức xúc, kiến nghị của cử tri lên diễn đàn kỳ họp. Tuy nhiên, tại nhiều cuộc tiếp xúc gần đây ở TPHCM, cử tri bày tỏ không đồng tình về một số đại biểu thường xuyên vắng mặt trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Tại các buổi chất vấn cho thấy, một số đại biểu chưa đủ tự tin để bảo vệ quan điểm của mình khi xem xét những vấn đề được trình tại kỳ họp. Có đại biểu chỉ phản ánh hiện tượng mà chưa chỉ ra cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm. Có đại biểu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm nên chưa mạnh dạn nêu lên chính kiến của mình, mà chủ yếu quyết theo số đông, ít thể hiện quan điểm rõ ràng.
Các kỹ năng của đại biểu như giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, trả lời ý kiến cử tri chưa chuyên nghiệp. Thêm vào đó, văn bản pháp luật hiện hành cũng không nêu rõ hình thức kỷ luật đại biểu thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ đại biểu, vắng liên tục tại nhiều kỳ họp, không tham gia tiếp xúc cử tri, không phát biểu trên diễn đàn, không chất vấn tại nhiều kỳ họp...
Do vậy, để phát huy hết vai trò, trách nhiệm của đại biểu, cử tri TPHCM mong mỏi mỗi đại biểu của dân cần tăng thêm “dũng khí”, không ngại va chạm; biết đặt quyền lợi của người dân lên trên hết; không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; nắm vững đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề liên quan đến đời sống người dân, để chuyển tải kiến nghị cử tri đến cơ quan chức năng, tham gia giám sát việc giải quyết những kiến nghị của cử tri, cũng như tham gia vào công tác làm luật, quyết định các vấn đề hệ trọng.
Thêm một yêu cầu khách quan nữa, cần đổi mới việc tiếp xúc cử tri để đại biểu có điều nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cử tri, từ đó đề xuất những giải pháp lên cấp có thẩm quyền. Gần đây, việc thông báo công khai trên báo chí về ngày, giờ, địa điểm đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là cải tiến bước đầu, được đông đảo cử tri hoan nghênh.
Cử tri cho rằng, nên chuyển các tiếp xúc theo đoàn đại biểu sang việc từng đại biểu tiếp xúc với cử tri theo giới, theo ngành và xuống tận khu phố để gặp gỡ cử tri... Làm như vậy sẽ mở rộng và tăng thời lượng tiếp xúc cử tri hơn, tiếp nhận được nhiều ý kiến đa dạng hơn và trách nhiệm của mỗi đại biểu vì thế cũng nâng cao hơn.
Mong muốn Quốc hội, HĐND thực sự đại diện cho nhân dân, là nơi gửi gắm niềm tin của dân, thì việc đầu tiên phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu, tức là mỗi đại biểu của dân phải đặt mình vào vị thế của người dân để tích cực tham gia vào quá trình giải quyết việc nước, việc dân.
TUẤN SƠN