Dấu ấn một nhiệm kỳ

Dấu ấn một nhiệm kỳ

LTS: Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng Nhân dân (HĐND) khóa VII TPHCM kéo dài từ năm 2004 đến năm 2011. Qua gần 7 năm hoạt động - một thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để HĐND TPHCM chứng thực được những lá phiếu bầu của người dân là hoàn toàn xứng đáng. HĐND TP đã ghi dấu ấn quan trọng trên bước đường phát triển của TPHCM. Nhân kỳ họp cuối cùng của HĐND TP khóa VII diễn ra từ ngày 19 đến 20-4, Báo SGGP khởi đăng loạt bài nhìn lại hoạt động của HĐND TP nhiệm kỳ qua.

Bài 1: Những nghị quyết hợp lòng dân

HĐND TP đã luôn đồng hành cùng những hoạt động đổi mới đi lên của TPHCM. Sau một chặng đường nhìn lại, những dấu ấn đó được kết thành từ những hoạt động sôi nổi với những kết quả rất đáng trân trọng. Qua 20 kỳ họp, HĐND TP đã ban hành 167 nghị quyết trên nhiều lĩnh vực. Nhiều nghị quyết thật sự mang tính đột phá, thúc đẩy TP phát triển mạnh mẽ trên hầu khắp các mặt...

  • Trăn trở cùng người dân

“Hoạt động của HĐND TP mang không khí công khai, dân chủ, trực tiếp đối diện với những vấn đề đặt ra của cuộc sống. Tôi mong rằng HĐND TP tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình nhằm đóng góp chung cho cả nước. Tuy nhiên, mặc dù hoạt động của HĐND TP mỗi ngày mỗi tiến lên nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu hay nhìn rộng ra vẫn chưa bằng lòng. Cũng như đất nước dù phát triển nhưng cũng không bằng lòng”. 

Trích phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi thăm đoàn ĐBQH, HĐND TPHCM dịp Tết Tân Mão 2011.

Các nghị quyết của HĐND TP đều xuất phát từ đòi hỏi của thực tế cuộc sống, từ những vấn đề bức xúc đặt ra đối với một TP năng động nhất nước với nhiều cơ hội, khó khăn và thử thách. Nghị quyết quyết định những vấn đề quan trọng ở TP được HĐND thông qua luôn đạt được sự thống nhất cao, nội dung nghị quyết sát với tình hình thực tế, thiết thực, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của TP. Điển hình như các nghị quyết về chính sách tái định cư, bồi thường giải tỏa và hỗ trợ; về xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; về xử lý tình trạng nhà xưởng, kho bãi sử dụng lãng phí; về đầu tư xây dựng cơ sở vui chơi, giải trí dành cho trẻ em…

Và sau mỗi kỳ họp, UBND TP triển khai ngay các nghị quyết của kỳ họp, phân công thành viên UBND TP và các sở ban ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp, qua phương tiện thông tin đại chúng và qua các đoàn thể, những nghị quyết của HĐND đã được triển khai sâu rộng. Và khi có vướng mắc, HĐND TP tổ chức lắng nghe các bên liên quan bằng nhiều hình thức để có hướng khắc phục. Ví dụ điển hình là vào thời điểm 17-9-2008, lần đầu tiên HĐND TP tổ chức tham vấn ý kiến người dân quận 2 đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án Đại lộ Đông Tây để đánh giá việc triển khai Nghị quyết 57 của HĐND TP về bồi thường tái định cư và đào tạo, giải quyết việc làm khi nhà nước thu hồi đất. Còn nhớ, tại buổi tham vấn do ông Huỳnh Thành Lập, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP chủ trì, rất đông người dân có quyền lợi liên quan đã đến dự và thoải mái trình bày ý kiến của mình.

Các đại biểu HĐND TPHCM giám sát môi trường sản xuất. Ảnh: Việt Dũng
Các đại biểu HĐND TPHCM giám sát môi trường sản xuất. Ảnh: Việt Dũng

Cũng tại buổi tham vấn, lãnh đạo quận 2 đã cam kết giải quyết cho người dân những vấn đề tồn tại, chưa thống nhất giữa hai bên liên quan đến việc bố trí tái định cư, nhà ở xã hội. Sau khi kết thúc các chương trình tham vấn tái định cư, Ban Pháp chế HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng và các chủ đầu tư để kiểm tra thực hiện Nghị quyết 57 của HĐND TPHCM về giải tỏa, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho 4.636 hộ tạm cư dài hạn trên địa bàn TP. Sau đó, nhiều hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân về xây nhà tái định cư, thực hiện nếp sống văn minh đô thị và môi trường đã được HĐND TPHCM triển khai nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời lắng nghe đóng góp của người dân về những quyết sách mà HĐND đã và sắp ban hành…

Nhiều vấn đề dân sinh đã được các đại biểu HĐND TPHCM đưa ra thảo luận trong nhiệm kỳ VII.
Nhiều vấn đề dân sinh đã được các đại biểu HĐND TPHCM đưa ra thảo luận trong nhiệm kỳ VII.

Song hành cùng sự phát triển của TP, các nghị quyết trên lĩnh vực pháp chế cũng được HĐND TP triển khai thực hiện tốt. Những nghị quyết về xây dựng chính quyền; văn minh đô thị; cải cách thủ tục hành chính; đặt đổi tên đường; chính sách thu hút nguồn nhân lực… đã góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP, tạo đà để xây dựng và phát triển kinh tế. Các chủ trương, chính sách của nhà nước sau khi được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình được HĐND TP thông qua tại các kỳ họp đã được UBND TP tổ chức thực hiện kịp thời, làm cho nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

  • Giám sát những vấn đề bức xúc trong thực tiễn

Có nghị quyết đúng đắn là một yếu tố tiên quyết. Nhưng việc đưa nghị quyết vào cuộc sống lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó chứng tỏ tính khả thi và sức sống của các chủ trương, chính sách mà HĐND TP thông qua. Việc kiểm chứng này trước hết được thể hiện thông qua các hoạt động giám sát. HĐND TP trong nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện quyền giám sát này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động: Thông qua kỳ họp; qua hoạt động của Thường trực, các ban, của đại biểu HĐND TP; qua tiếp xúc cử tri; qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND TP đã tổ chức 79 đoàn giám sát, thực hiện 299 cuộc giám sát và 704 cuộc khảo sát trên các lĩnh vực: Cải cách hành chính, môi trường, y tế, giáo dục, quy hoạch, xây dựng, kho bãi nhà xưởng, văn minh đô thị… Từ đó đã có 417/496 kiến nghị của các đoàn giám sát gửi đến những ngành hữu quan giải quyết - đạt tỷ lệ 81%! Các kiến nghị còn lại hầu hết rơi vào trường hợp vướng quy định của Trung ương.

Nội dung các chương trình giám sát thiết thực, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, còn tồn tại, gây bức xúc trong dân. Đặc biệt, qua giám sát về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tái định cư cho dân sau giải tỏa, giúp người dân tiếp cận Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất trên địa bàn TP ngày càng được hoàn thiện (sau đó UBND TP đã ban hành Quyết định số 35/2010 ngày 7-6-2010 quy định mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất). Hoặc việc nâng mức hỗ trợ cho cán bộ ngành tư pháp, tạo điều kiện xây dựng trụ sở cho các cơ quan tư pháp, tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu kiện…

Công tác giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát của HĐND TP. Qua giám sát, đã phát hiện nhiều vụ việc mà các cơ quan hành chính, tư pháp có nhiều sai phạm trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ kết quả giám sát đã đưa ra những nhận định, phân tích chặt chẽ, đánh giá đầy đủ, khách quan và kết luận rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan. Quan điểm “hiểu và đồng cảm với những bức xúc của người dân” được xem là kim chỉ nam cho hoạt động giám sát của HĐND TP. Tiếng nói của người dân từ các buổi tiếp dân, những buổi tiếp xúc cử tri đều được ghi nhận và có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, tháo gỡ những điểm “nóng” về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn suốt thời gian qua.

VÂN ANH – HỒNG HIỆP


Bài 2: Lắng nghe dân

Đánh giá về nhiệm kỳ HĐND TPHCM vừa qua, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo từng nhìn nhận: “Có đại biểu xuất hiện nhiều trên diễn đàn như “thương hiệu” được người dân nhớ tên, cũng có nhiều đại biểu có tần suất xuất hiện ít hơn nhưng hoạt động của họ cũng rất đáng được ghi nhận. Họ tâm huyết và trách nhiệm không kém khi cân nhắc từng con số, khi biểu quyết…”.

  • Trách nhiệm với lá phiếu

Nhiều người biết ông Đặng Văn Khoa là đại biểu HĐND TPHCM có lối chất vấn quyết liệt. Mỗi kỳ họp HĐND TP diễn ra, ông luôn đứng giữa nghị trường, chất vấn các sở ngành ngồi ghế “nóng”.

Thời điểm năm 1999 - bắt đầu làm đại biểu HĐND TP, đại biểu Đặng Văn Khoa đã gây chú ý vì phát hiện hệ thống cống hộp Đinh Tiên Hoàng ở quận Bình Thạnh có dấu hiệu bị “rút ruột”. Sau khi đi tìm hiểu, thấy công nhân làm sai quy định khi đặt cống không lát nền bê tông, đóng cừ chỉ dài 2,5m (tiêu chuẩn là 5m), ông đem vào kỳ họp HĐND TP để chất vấn những người có liên quan. UBND TP vào cuộc, chỉ đạo thanh tra. Kết quả: Công trình phải làm lại!

Những vấn đề nóng bỏng liên quan đến ô nhiễm và sự dây dưa trách nhiệm tại kênh Ba Bò, quận Thủ Đức; kho bãi bị sử dụng lãng phí; chính sách tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi; thực hiện văn minh đô thị; trách nhiệm để xảy ra sụt lún nguy hiểm trên các tuyến đường TP; nước thải bệnh viện… được ông chất vấn bằng lý lẽ và cả chứng cứ sinh động mà ông tự điều tra.

Không “ồn ào” nhưng tại bất kỳ cuộc họp tổ nào có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Phạm Văn Hải thì ở đó hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc người dân gửi gắm đến mặt trận được ông truyền đạt cụ thể, sống động.

Ngay khi Nghị quyết 32 của Chính phủ về cấm xe ba bốn bánh lưu hành được ban hành từ đầu năm 2008 làm người dân lẫn chính quyền loay hoay xoay trở không kịp, nhiều tiếng “kêu” của người lao động nghèo đến với mặt trận các cấp. Sau các cuộc phản biện của Ủy ban MTTQ TP, ông Hải đem vào hội trường chất vấn.

Tháng 2-2008, UBND TPHCM quyết định lùi thời hạn thi hành quy định trên.Tháng 6-2007, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tăng học phí đối với các trường công lập. Tháng 7-2007, UBND trình đề án này lên HĐND TP.  Hàng loạt ý kiến tâm tư dồn về mặt trận. Ủy ban MTTQ TP tổ chức phản biện. Đến kỳ họp thứ 11 của HĐND TPHCM (tháng 7-2007), ông Hải góp phần chuyển tải ý kiến của cử tri và cùng với những đại biểu HĐND TP tâm huyết khác phản biện quyết liệt sự bất hợp lý của đề án. Kết quả: Đề án phải hoãn lại!

  • Không ngại đấu tranh vì cái chung

Đối với ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa, những bất cập về môi trường, y tế, an toàn thực phẩm được ông đeo bám quyết liệt tại mỗi kỳ họp HĐND TP. Ngay từ kỳ họp đầu tiên, ông đã đưa vấn đề này ra chất vấn gay gắt, truy tìm địa chỉ trách nhiệm. Tuy kỳ họp nào cũng phản ánh chỉ mỗi vấn đề ấy nhưng ông không làm cho người ta cảm thấy nhàm chán bởi ông nói bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng của người đại biểu. Ông trăn trở, day dứt như giải quyết vấn đề của chính mình.

Kiên trì đeo bám cũng đồng nghĩa đụng chạm đến quyền lợi của một số người nên chuyện thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa với ông là… chuyện nhỏ! Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Tôi đã xác định rõ, làm đại biểu HĐND là phải đấu tranh vì cộng đồng, im lặng khi mình biết hậu quả quá rõ cho tập thể là vô trách nhiệm với bản thân, với lá phiếu của người dân”.

Với sự kiên trì đấu tranh gay gắt của ông, vấn đề rác thải y tế, việc xử lý phân hầm cầu đã được lãnh đạo UBND TP xuống tận cơ sở để chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Kết quả: Hết năm 2010, TP xử lý được 100% nước thải y tế, rác thải y tế được xử lý chặt chẽ hơn, việc xử lý phân hầm cầu cũng được chú trọng đúng mức.

Riêng ĐB Trương Trọng Nghĩa, trong các kỳ họp, vấn đề liên quan đến xây dựng cơ bản, đầu tư vốn ngân sách được ông đặc biệt chú trọng và chất vấn quyết liệt. Cách đặt vấn đề của ông luôn mang tính thuyết phục cao bởi ông có điều kiện tiếp xúc nhiều với thực tiễn do yêu cầu của công việc (luật sư). Việc thường xuyên tiếp xúc cử tri cũng giúp ông phản ánh trọn vẹn, kịp thời những bức xúc thiết thực của người dân.

“Cũng có những ánh mắt dè dặt từ một số vị lãnh đạo đầu ngành có liên quan nhưng tôi vẫn luôn quan niệm mình đang làm bằng trách nhiệm và lương tâm, bởi nếu để chính quyền TP làm việc chưa tốt thì cũng có phần trách nhiệm lớn của chúng tôi - những người đại biểu dân cử” - ĐB Nghĩa chia sẻ.

* Các tổ đại biểu HĐND TP đã tổ chức 624 hội nghị tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử. Trung bình mỗi cuộc tiếp xúc có từ 120 - 150 cử tri tham dự. Ngoài việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, một số đại biểu đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tại nơi cư trú, công tác. Bên cạnh đó, HĐND TP còn tạo thêm các “kênh” nghe dân nhằm tăng cường hoạt động đối thoại, chất vấn, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri như chương trình “Nói và Làm” (Đài Truyền hình TP), “Đối thoại cùng chính quyền TP” (Đài Tiếng nói Nhân dân TP), chuyên mục “Tiếng nói người giám sát” (Báo Sài Gòn Giải Phóng), trang web “Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh” (phối hợp với đoàn ĐBQH TPHCM).

Vân Anh – Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục