“Đau đầu” với doanh nghiệp FDI vắng chủ

Thời gian qua, tại một số địa phương trong nước xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) FDI kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả và đã “bỏ của chạy lấy người”, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Thế nhưng, việc xử lý những hậu quả mà các DN này để lại hết sức khó khăn do thiếu cơ chế.
“Đau đầu” với doanh nghiệp FDI vắng chủ

Thời gian qua, tại một số địa phương trong nước xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) FDI kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả và đã “bỏ của chạy lấy người”, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Thế nhưng, việc xử lý những hậu quả mà các DN này để lại hết sức khó khăn do thiếu cơ chế.

        Doanh nghiệp vắng chủ

Trong những năm qua, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã có tác động tích cực trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động… Bên cạnh những yếu tố tích cực thì một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là tình trạng một số DN FDI sau thời gian hoạt động kinh doanh thua lỗ, hoạt động kinh doanh không lành mạnh nhằm mục đích trục lợi đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh và để lại hệ quả nặng nề cho xã hội.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tính đến hết tháng 5-2013, cả nước có 518 DN FDI vắng chủ với tổng vốn đăng ký lên đến 903 triệu USD. Chỉ tính riêng TPHCM, theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư, hiện nay có hơn 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài không còn hoạt động tại trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh (không bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao). Trong đó, hơn 90% là các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như về quản lý DN, xây dựng, dịch vụ bất động sản, thương mại… còn lại một số DN thuộc lĩnh vực sản xuất nhỏ.

Cũng theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, một trong các công cụ quan trọng được thực hiện thường xuyên để kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI hiện nay là chế độ báo cáo thống kê định kỳ của các DN theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay là phần lớn các DN FDI lại không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không theo định kỳ việc báo cáo này nhưng biện pháp chế tài lại không đủ mạnh để xử lý, răn đe.

Việc nắm bắt các thông tin, tình hình đối với DN FDI có dấu hiệu sẽ bỏ trụ sở, địa điểm kinh doanh đã đăng ký còn gặp rất nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa kịp thời và hiệu quả. Việc tiến hành thủ tục thanh lý, giải thể hoặc phá sản DN thường bị kéo dài và không thuận tiện cho nhà đầu tư thực hiện do quy định pháp luật hiện hành.

Chủ đầu tư Công ty TNHH Ado Vina tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương bỏ trốn để lại nhà xưởng và danh sách chủ nợ của công ty này (ảnh dưới).

Chủ đầu tư Công ty TNHH Ado Vina tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương bỏ trốn để lại nhà xưởng và danh sách chủ nợ của công ty này (ảnh dưới).

        Nhiều hệ lụy đối với xã hội

Theo các cơ quan chức năng, đa số DN này đều có quy mô nhỏ và thường thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác. Việc xử lý các DN này hết sức khó khăn bởi pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với DN FDI vắng chủ mà chỉ quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi dự án chậm tiến độ hoặc dự án không thực hiện.

Việc giải thể, thanh lý DN đối với các DN FDI vắng chủ, có phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cũng không dễ dàng. Thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác cũng khó, vì còn phải xử lý các tài sản đã hình thành trên đất…

Đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị thu hồi giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư, các DN FDI phải giải thể theo quy định. Còn sau thời hạn 6 tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể DN thì DN đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên DN trong sổ đăng ký kinh doanh. Và người đại diện theo pháp luật của các DN này phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.

Tuy nhiên, việc thu hồi này sẽ dẫn tới các hệ quả như: Chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các pháp nhân này đối với người lao động, nhà nước, ngân hàng, các chủ nợ và các đối tác khác có liên quan do việc xử lý các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác (nếu có như thuế, BHXH, BHYT, tài sản…) không thể thực hiện được vì chủ đầu tư và người đại diện pháp luật của các DN này đã bỏ về nước và mất liên lạc.

Trước việc DN FDI vắng chủ nhưng việc xử lý những hậu quả để lại gặp khó khăn do vướng cơ chế, đại diện một số cơ quan chức năng cho rằng, nhà nước cần áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này.

Đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM đề xuất, đối với những dự án FDI vắng chủ, sau khi chủ đầu tư không còn có mặt tại địa điểm đăng ký kinh doanh, nếu cơ quan đăng ký kinh doanh gởi thông báo đến địa chỉ của DN tại nước sở tại 3 lần, cũng như đăng thông báo 3 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các tổng lãnh sự quán để tìm chủ đầu tư mà không nhận được phản hồi thì cho phép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Luật Phá sản để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc xử lý DN vắng chủ. Song song đó, đối với thủ tục thanh lý giải thể phải rút ngắn để nhà đầu tư khi làm thủ tục phá sản được giải quyết nhanh tránh mất thời gian lưu lại tại Việt Nam.

Đồng quan điểm này, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật liên quan nhằm rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục thanh lý, giải thể hoặc phá sản DN để thuận tiện cho nhà đầu tư thực hiện. Ngoài ra, nên có quy định về việc ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam nhằm đảm bảo có nguồn chi phí để thanh toán, khắc phục các hậu quả, tồn đọng trong trường hợp DN FDI bỏ trụ sở, địa điểm kinh doanh đã đăng ký. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát đối với các DN FDI.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục