Đến năm 1995, thể thao Việt Nam mới có chiếc huy chương vàng đầu tiên ở môn điền kinh do vận động viên Vũ Bích Hường thực hiện. 10 năm sau, tại SEA Games 2005, môn bơi lội mới có chiếc huy chương vàng đầu tiên từ sau ngày nước Việt Nam thống nhất.
Như chúng ta đã biết, đến năm 2015 bơi lội và điền kinh đều là những môn gặt hái nhiều huy chương nhất tại SEA Games 28, một bước tiến có thể nói là thần tốc đối với những môn thể thao trước đây vẫn bị xem là “sở đoản” do các yếu tố dinh dưỡng, thể chất của người Việt.
Nhưng khi có thành công, thậm chí nghĩ đến chuyện vươn tầm thế giới ở các môn đòi hỏi rất nhiều yếu tố nói trên thì tại các nội dung sở trường, thể thao Việt Nam lại có dấu hiệu đi xuống, đặc biệt là các môn võ, bắn súng, hay các môn bóng. Kế đến, lại có một số môn không có tính phổ biến cao lại thành công như đấu kiếm, bơi thuyền… Từ đó buộc phải đặt ra câu hỏi: đâu mới là sở trường, là thế mạnh của thể thao Việt Nam?
Ngoài các cường quốc thể thao hàng đầu thế giới, các quốc gia khác thường mạnh ở một số môn và họ tập trung vào việc phát triển lên đến trình độ thế giới. Thể thao “sở trường” tạm hiểu là những môn hội tụ các yếu tố như có tính phổ biến cao trong dân cư, phù hợp với thể chất và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, từ đó sẽ có hệ thống đào tạo vận động viên tốt nhờ số lượng người tập luyện đông đảo và nhận được nhiều sự quan tâm từ những thành phần trong xã hội.
Trước đây, các môn võ được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam xuất phát từ truyền thống đánh giặc giữ nước, sự phong phú các trường phái võ học, việc thi đấu cũng dựa trên hạng cân nên càng phù hợp với sự nhanh nhẹn của vận động viên Việt Nam. Trong thể thao hiện đại, không khó để thấy người Việt có điều kiện phát triển các môn như cầu lông, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, billiards và các môn bóng có tính tập thể.
Đáng tiếc là có một thời gian dài, chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao mắc sai lầm khi đặt nặng yếu tố thành tích dẫn đến dàn trải trong định hướng phát triển. Thậm chí có những môn không tồn tại trong dân cư vẫn được tập trung đào tạo để tranh huy chương thế giới. Sự dàn trải này khiến các môn thế mạnh dần mất đi tính phổ cập trong đời sống, thay vào đó hầu như những môn thể thao nào mới trên thế giới cũng đều xuất hiện tại Việt Nam một cách manh mún, rất khó gầy dựng phong trào rộng khắp (ví dụ như bóng chày, bóng gậy…). Cũng vì dàn trải hơn 10 năm qua, dù tay vợt Nguyễn Tiến Minh được cả nước quan tâm theo dõi khi anh có mặt trong tốp đầu thế giới, nhưng đến khi Tiến Minh chuẩn bị giải nghệ vẫn chưa hề có một trung tâm cầu lông hiện đại nào được xây dựng, chưa nói đến học viện đào tạo cầu lông chuyên nghiệp như các quốc gia lân cận Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã làm. Vì môn nào cũng cố gắng phát triển, người người làm thể thao nên mới phát sinh hiện tượng nơi nơi xây dựng nhà thi đấu quốc tế, nhà nhà đăng cai các sự kiện thể thao, nhưng sau đó phong trào không có do không phù hợp với đặc thù địa phương.
Thể thao đỉnh cao bên cạnh mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới còn có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình rèn luyện sức khỏe của người dân. Đây là hoạt động mang tính tương hỗ, chính vì thế khi xây dựng chiến lược phát triển đỉnh cao cần phải tính đến yếu tố phong trào. Ví dụ như cần có thêm sự đầu tư cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên để qua đó giúp cho các hồ bơi được xây dựng thêm, nhiều trẻ em quan tâm đến bơi lội. Đầu tư cho các môn võ vươn đến thành tích thế giới cũng là để cho việc tập luyện võ thuật phát triển trong hệ thống các trường học vốn đang nghèo nàn diện tích tập luyện thể thao. Chính những tác động ấy buộc những nhà quản lý thể thao phải cân đong - đo đếm từng khoản ngân sách hạn chế mà Nhà nước dành cho việc phát triển thể thao. Bên cạnh đó, còn giúp cho việc quy hoạch cơ sở vật chất thể thao phù hợp hơn với từng địa phương, tránh tình trạng ở đâu cũng phát triển chừng đó môn, nhưng khi đến các kỳ đại hội thể thao toàn quốc lại phải mượn người ở nơi khác hòng tìm thành tích tô hồng các báo cáo.
Bài học của môn bóng đá rất rõ ràng: Do không hài hòa giữa đỉnh cao và phong trào nên dù đây là môn chơi phổ cập nhất Việt Nam, nhưng lại phát triển khá méo mó khi cả nước có chưa đầy 30 đội bóng chuyên nghiệp. Tiền đổ vào bóng đá nhiều nhưng lại hướng đến thành tích ngắn hạn, thay vì phát triển các hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, dài hạn để tận dụng rộng rãi niềm đam mê bóng đá trong dân cư.
VIỆT QUANG