Đâu rồi “trường em thân thiện, an toàn” ?

Tôi chỉ biết chuyện qua cú điện thoại của một phụ huynh quen biết. Đó là mẩu tin nhỏ đăng trên báo vào ngày 3-11 nhưng thu hút sự quan tâm của không ít bạn đọc, nhất là giới phụ huynh: Ngày 3-11, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tạm giữ một học sinh 14 tuổi học lớp 9D Trường THCS Võ Thị Sáu vì hành vi đâm bạn chết ngay trong khuôn viên trường. Mẩu tin ngắn nhưng mô tả khá đầy đủ hành vi của kẻ thủ ác: rút dao đâm vào cổ bạn, khi nạn nhân bỏ chạy về phía cầu thang thì thủ phạm lại đâm tiếp một nhát nữa vào ngực, khiến nạn nhân tử vong trên đường cấp cứu.

Ngược thời gian. Trước đó chỉ 2 ngày, ngày 1-11, tại Thanh Hóa, công an đã vận động một học sinh lớp 8 Trường THCS Minh Khai đến trình diện và khai báo về hành vi gây thương tích cho người khác. Trước đó, học sinh này có mâu thuẫn với một bạn học, đã rút dao đâm một nhát vào bụng bạn rồi bỏ trốn. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, rách lá lách và rất may đến nay đã qua cơn nguy kịch. Còn nhớ lại hồi tháng 3 vừa qua, tại Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Tuy Hòa, Phú Yên, một học sinh đang ngồi học trong lớp thì bất ngờ bị 2 thiếu niên lạ mặt cầm dao xông vào lớp đâm rồi bỏ chạy. Nạn nhân bị mất khá nhiều máu do vết đâm trúng phổi và gan, phải phẫu thuật cấp cứu…

Nhắc lại những chuyện trên - kiểu cư xử của xã hội đen thường thấy trong phim hành động lại xảy ra liên tiếp ở một môi trường giáo dục - khiến nhiều phụ huynh đã bàng hoàng thốt lên: “Vì sao như vậy?”, “Làm gì để con em được học trong một nhà trường an toàn, thân thiện?”. Nỗi lo ấy của phụ huynh là chính đáng và trách nhiệm của người lớn là phải tìm ra nguyên nhân để có cách ứng xử phù hợp.

Một cách nhìn “cổ điển” của không ít người trước những sự việc trên là “quy tội” cho phim ảnh bạo lực hay “đổ thừa” gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc và “giải pháp” luôn là cách kêu gọi chung chung “gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm…”. Điểm chung thường thấy trong hầu hết các vụ việc xảy ra nói trên: kẻ thủ ác đều là những học sinh cá biệt, học lực yếu. Học sinh hư hỏng có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố gia đình là quan trọng: cha mẹ ly dị hoặc lo vật lộn với cuộc sống nên bỏ bê việc quan tâm chăm sóc con em.

Trong khi đó, các em lại có những lý lẽ của riêng mình nhưng lại đơn độc, thiếu người chia sẻ, định hướng để giúp vượt qua những cú sốc tâm lý và cứ thế các em cứ trượt dài. Cánh tay nào sẽ chìa ra để kéo các em ra khỏi những khủng hoảng về tâm lý - hoàn cảnh nếu không phải là các thầy cô, tổ chức đoàn, hội? Hiệu trưởng một trường THCS ở địa bàn trung tâm TPHCM tâm sự rằng trường của ông có một học sinh khá “quậy” và việc làm đầu tiên của ông là tiếp cận ngay học sinh này. Không phải mời lên văn phòng làm việc theo kiểu cách hành chính thường thấy mà ông tâm sự với em, tìm hiểu, khuyên bảo.

Song song, ông lại tìm đến phụ huynh để trao đổi và bàn hướng ra cho em. Nhẹ nhàng mà hiệu quả, chỉ hơn 2 tháng, em đã có nét tiến bộ rõ rệt. Từ thực tế này, ông đã tổ chức văn phòng tư vấn tâm lý cho học sinh. Nhìn bề ngoài có vẻ “hình thức” nhưng đây là việc làm cần thiết và các “chuyên gia tâm lý nghiệp dư” không ai khác hơn là các thầy cô luôn gắn bó với các em qua nhiều tiết học. Thầy hiệu trưởng nói trên tâm sự: “Không hô hào nhưng tôi luôn nói với các thầy cô rằng phải cố gắng xây dựng môi trường thân thiện, coi các em như con của chính mình”. Nhưng tiếc rằng, suy nghĩ trên chưa trở thành nếp nghĩ của nhiều người. Đâu đó, thầy cô giáo vẫn lo với chuyện dạy thêm dạy bớt, “học trò học kém không phải chuyện của thầy cô”, tổ chức đoàn, đội vẫn còn nặng hình thức…

Nói về chuyện nhà trường an toàn, còn nhiều chuyện để bàn. Một phụ huynh có con đang học tại một trường trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đã kể với vẻ hốt hoảng: Dân nghiện ma túy hút chích ngay trước cổng trường. Một phụ huynh khác đọc báo thấy chuyện đâm nhau trong trường thì băn khoăn: Làm gì để ngăn chặn học sinh không mang hung khí vào trường? Vâng, còn quá nhiều điều chưa an toàn cho nhà trường. Hiệu trưởng một trường THCS ở TP vừa gắn hệ thống camera quan sát, tâm sự: “Khi gắn, nhiều ý kiến phản ứng lắm. Tôi nói rõ: Camera không phải để theo dõi, rình mò mà để quản lý, ghi nhận và kịp thời phản ứng khi xảy ra sự cố”. Hiệu quả không nhỏ: học sinh đánh nhau, gây gổ nhau trên sân trường, hành lang đều được can thiệp kịp thời; các nhóm tụm năm tụm ba trước cổng trường để chuẩn bị gây sự đều không thoát khỏi tầm quan sát của trường và công an địa phương. Thế nhưng, đâu phải trường nào cũng có đủ kinh phí để gắn camera… Nhiều trường lại xem việc học trò đánh nhau trước cổng trường là trách nhiệm của công an địa phương.

Xét cho cùng, thiết bị hiện đại cũng vô nghĩa nếu thiếu cái tâm của người thầy, người cán bộ quản lý giáo dục luôn xem trường là nhà, xem học trò là con; nhà trường và phụ huynh là bạn đồng hành. Nếu được như vậy, sẽ không còn bạo lực học đường, không có cảnh học sinh đâm nhau như phim hành động… và khẩu hiệu “trường em thân thiện, an toàn” mới thật sự có ý nghĩa.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục