Đau thắt lưng dễ gặp nhưng khó chữa

Nâng, mang vật nặng... dễ bị
Đau thắt lưng dễ gặp nhưng khó chữa

Đau thắt lưng (ĐTL) là một triệu chứng thường gặp trong cuộc sống, nó không chỉ gây đau, khó chịu, mà còn làm hạn chế sự vận động, ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.

Nâng, mang vật nặng... dễ bị

Thắt lưng là nơi chống chịu sức nặng của cơ thể nên rất dễ bị tổn thương. Tình huống ĐTL thường xảy ra ở một người mà trước đây người đó ít vận động cơ vùng thắt lưng, nay lại nâng một vật nặng, hoặc xoay gập lưng, hông quá mức trong lúc chơi thể thao hoặc bị tai nạn lao động, giao thông.

Ngoài ra còn có các yếu tố góp phần gây ĐTL như lo lắng, trầm cảm, stress công việc. Triệu chứng ĐTL thường xuất hiện ở vị trí phía sau lưng, ở bên dưới bờ sườn và trên nếp mông dưới, kèm căng hoặc co cứng cơ vùng thắt lưng.

Cho đến nay, phần lớn trường hợp ĐTL vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân chỉ dừng ở mức chẩn đoán triệu chứng (còn gọi là ĐTL không đặc hiệu), nên người ta đưa ra rất nhiều giả thuyết để giải thích nguyên nhân của ĐTL, bao gồm giãn cơ, tư thế sai, căng thẳng... chỉ có khoảng 15% trường hợp ĐTL được xác định là do bong gân, giãn dây chằng, rách đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp..., trong đó khoảng 2% trường hợp là do nguyên nhân trầm trọng như nhiễm trùng, ung thư, gãy xương, hội chứng chùm đuôi ngựa do thoát vị đĩa đệm...

Chẩn đoán và điều trị đau thắt lưng

Đau thắt lưng dễ gặp nhưng khó chữa ảnh 1
Khám chữa bệnh đau thắt lưng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Ảnh: CAO THĂNG

Không nên dựa vào mức độ ĐTL ít hay nhiều mà nói là trầm trọng hay không trầm trọng, dễ đi đến chủ quan. Bởi ĐTL nếu không điều trị đúng cách có thể chuyển từ nhẹ thành nặng.

ĐTL được xem trầm trọng khi đau có kèm theo những “dấu hiệu báo động” như : Chấn thương nặng có khả năng gãy xương. Trên 50 tuổi, sụt cân không giải thích được, tiền sử ung thư có khả năng u bướu. Sốt có nhiễm trùng gần đây, cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV, đái tháo đường, nghiện rượu...).

Có tê bì, yếu liệt, tiêu tiểu không tự chủ, khám có triệu chứng thần kinh bất thường, có khả năng hội chứng chùm đuôi ngựa trong hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm... Nói chung, nếu bị ĐTL đột ngột, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

Trường hợp người bệnh ĐTL mà không có “dấu hiệu báo động”, thường là do thoái hóa cột sống, bong gân, giãn dây chằng… trường hợp ĐTL không đặc hiệu thì không cần xét nghiệm mà tiến hành điều trị bảo tồn 4-6 tuần.

Nếu không thuyên giảm triệu chứng thì khám, đánh giá lại lâm sàng và xem xét thực hiện các xét nghiệm: máu, đo điện cơ, các xét nghiệm hình ảnh như X-quang cột sống thắt lưng, CT scan vùng thắt lưng, cộng hưởng từ (MRI), xạ hình xương... để tìm nguyên nhân. Đau thắt lưng được phân làm 3 cấp độ : thể cấp tính (trong vòng 6 tuần), bán cấp (6-12 tuần) hoặc mãn tính (kéo dài trên 3 tháng). Thông thường, hơn 90% bệnh nhân ĐTL cấp sẽ khỏi trong vòng 6 tuần. Chỉ khoảng 2%-7% trường hợp chuyển sang ĐTL mãn.

Điều trị ĐTL cấp bằng acetaminophen hoặc kháng viêm không steroid. Nếu không có chống chỉ định như bệnh nhân có viêm loét dạ dày, viêm gan... thì các thuốc này có thể dùng 2-4 tuần. Các thuốc giãn cơ cũng có vai trò trong giảm ĐTL. Trong quá trình điều trị, ban đầu người bệnh nên nằm nghỉ tại giường một vài ngày, sau đó cần phải vận động lại với các bài tập đặc biệt sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đẩy lùi căn bệnh.

Đi bộ là cách đơn giản nhất và rất tốt cho ĐTL. Các phương pháp vật lý trị liệu như chiếu tia hồng ngoại, chườm lạnh và ấm, xoa bóp cũng có thể giảm đau trong đợt cấp do chúng có tác dụng giảm đau và giãn cơ.

Đối với trường hợp ĐTL mãn, phải tập vận động ngay vì sẽ giúp giảm đau và phòng ngừa ĐTL. Điều trị ĐTL mãn cũng giống như ĐTL cấp. Việc sử dụng các loại thuốc cho điều trị đau mãn do bác sĩ chỉ định như giảm đau thông thường (acetaminophen, diclofenac...), giảm đau gây nghiện, chích corticosteroid tại chỗ, chống trầm cảm, nhóm thuốc chống co giật...

Với những bệnh nhân có vấn đề về tâm lý như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, lạm dụng thuốc, căng thẳng trong công việc... thì cần phối hợp điều trị những rối loạn này.

Có thể xem xét phẫu thuật trong trường hợp ĐTL nhiều kèm đau thần kinh tọa không cải thiện với điều trị bảo tồn; hoặc những bệnh nhân hội chứng chùm đuôi ngựa (có tê, mất cảm giác vùng hậu môn, sinh dục, tiêu tiểu không kiểm soát, yếu chân), nhiễm trùng, u bướu, gãy xương.

Phòng ngừa bằng cách giữ tư thế - vận động đúng

Tư thế rất quan trọng để giảm đau và phòng ĐTL. Khi ngồi phải thẳng lưng. Khi xoay người thì xoay cả cơ thể chứ không xoay hông. Tư thế đứng cũng thẳng, trường hợp phải đứng lâu thì một chân làm trụ, một chân nghỉ để giảm sức nặng lên thắt lưng, thay đổi chân mỗi 10-15 phút.

Gập gối và hông với lưng thẳng khi muốn ngồi xuống khiêng vật gì đó và giữ đồ vật sát thân khi đứng lên. Khi ngủ, tốt nhất là nằm nghiêng với gối gập. Cũng có thể ngủ tư thế nằm ngửa, không nên nằm sấp.

Tập thể dục, đặc biệt là tập aerobic, bơi lội và đi bộ, có tác dụng giảm và phòng ĐTL. Khi tập chú ý các bài tập giúp giãn gân cơ vùng thắt lưng. Hãy giảm cân để giảm sức nặng đè lên vùng thắt lưng, không nên mang giày cao gót, bỏ thuốc lá, sắp xếp thời gian làm việc và thư giãn hợp lý…

BS TRẦN NGỌC TÀI

Tin cùng chuyên mục