Đầu tư BT đến bao giờ?

Phải thừa nhận trong một giai đoạn nền kinh tế khó khăn, nhờ vào hình thức đầu tư BT đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt hạ tầng TPHCM. Tiêu biểu là tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD, sau khi hoàn thành đã “đánh thức” và gia tăng giá trị cho bất động sản khu Đông; nhà đầu tư Hàn Quốc được đổi lại 7 khu đất để khai thác lấy vốn và lợi nhuận. Tuy nhiên, khi hạ tầng của TPHCM đã thành hình hài, đất đai của TPHCM trở nên khan hiếm, ở đâu cũng đất vàng, thì các khu đất đem ra làm của “hồi môn” theo hình thức đầu tư BT đã đến lúc phải xem xét lại.

BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được tạo điều kiện cho thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nói cách khác, BT giống như một hình thức chỉ định thầu, phù hợp với tình huống cấp bách chứ không còn mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần là lỗ - lời, được định giá sòng phẳng!

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một ví dụ. Đây là lõi đô thị hoang sơ còn lại duy nhất của TPHCM, hình thành từ một văn bản của UBNDTP từ tháng 12-1991. Nhờ sự kiên định của các thế hệ lãnh đạo thành phố trước đây, đã gìn giữ một bán đảo nguyên vẹn, cho đến nay khu vực này có giá trị như kim cương, sẽ trở thành biểu tượng cho thành phố năng động, hiện đại của khu vực. Điều đáng nói là, sau khi TPHCM bỏ tiền ra đền bù, tổ chức tái định cư, giao 101 lô đất cho các nhà đầu tư theo hình thức BT, thì phần đất còn lại không cân đối được, TPHCM bị âm vốn! 26 lô đất còn lại kêu gọi đầu tư, theo tính toán trị giá gần 11.000 tỷ đồng, sẽ không đủ trả khoản vay hơn 16.000 tỷ đồng mà thành phố đã đầu tư vào khu đô thị này. Không thể chấp nhận một khu đại đô thị đất kim cương như vậy mà lại bị “âm vốn” theo hình thức đầu tư BT. Mới đây trong một cuộc họp, từ Chánh văn phòng UBNDTP đến lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính... đã nhất loạt đề xuất TPHCM nên tổ chức đấu giá các lô đất còn lại. Cơ sở để đấu giá là, thị trường bất động sản ấm lại, hạ tầng của Thủ Thiêm đã thành hình hài, giá đất tăng theo hạ tầng, đặc biệt với vị trí của Thủ Thiêm, giá đất sẽ tăng chóng mặt khi những đại công trình hạ tầng hoàn tất.

Như vậy, đầu tư theo hình thức BT, TPHCM được các công trình nhìn thấy rõ ràng, nhưng “mất” cũng không hề nhỏ: chưa tính đúng, tính đủ giá trị các khu đất đổi lại cho các nhà đầu tư; đặc biệt đất vàng sẽ hết đi nhanh chóng, không còn tiềm lực dành để mai sau…

Thật ra, TPHCM đã từng tổ chức đấu giá, những phiên đấu giá đều đem lại kết quả mỹ mãn. Hơn 15 năm trước, đường Nguyễn Hữu Thọ nối đại lộ Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, được giải tỏa rộng 210m hai bên đường trên suốt tuyến dài 7,5km. Tổng diện tích đất mở rộng thêm là 68,7ha. Chỉ tổ chức đấu giá 48,7ha, tổng số tiền thu được 466 tỷ đồng, không chỉ đủ cho làm đường, bố trí tái định cư mà còn đóng góp không nhỏ cho ngân sách. Hoặc gần đây nhất, năm 2015, TPHCM đã tổ chức đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn thu số tiền kỷ lục 1.430 tỷ đồng. Đây là số tiền thu được lớn nhất từ trước đến nay thông qua hình thức đấu giá, trong khi khu đất chỉ có diện tích 3.025m².

Rõ ràng, nếu hạn chế tối đa hình thức đầu tư BT thì những khu đất vàng sẽ tổ chức đấu giá công khai. Lúc đó, TPHCM sẽ chọn được nhà đầu tư đủ năng lực “thi thố” trên đất vàng, đồng thời số tiền thu được sẽ đầu tư vào công trình cần triển khai. Đấu giá cũng loại đi những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, làm lỡ duyên đất vàng, dẫn đến bộ mặt đô thị trung tâm TP nhếch nhác; đồng thời tính đúng, tính đủ giá trị của đất vàng. Đặc biệt, việc đấu giá cũng loại bỏ luôn sự suy nghĩ tiêu cực râm ran lâu nay là có sự “thân hữu” trong việc khai thác đất vàng. Muốn TPHCM phát triển bền vững, văn minh hiện đại, cần phải sử dụng triệt để hình thức đấu thầu - đấu giá, nhằm sử dụng tài nguyên đất đai hiệu quả, minh bạch!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục