Đầu tư cho văn học - nghệ thuật

Thực tế đã khẳng định qua mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo của Đảng bộ, TPHCM đều có những bước phát triển mới. Cùng với sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế, văn học - nghệ thuật (VH-NT) TPHCM luôn phát triển đúng hướng từ nền tảng dân tộc - hiện đại. Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015), phần nói về phát triển văn hóa, trong đó có VH-NT đã nêu lên những chủ trương chính sách cần thiết. Bài viết này chỉ xin bàn thêm về đầu tư cho VH-NT.

Có thể khẳng định, không một quốc gia có độc lập chủ quyền nào thả nổi để các hoạt động VH-NT hoàn toàn tự phát. VH-NT thuộc lĩnh vực tri thức, sáng tạo. Văn nghệ sĩ là những trí thức mang những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Hoạt động VH-NT là hoạt động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân trong cộng đồng xã hội. Trong mọi chủ trương chính sách, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định đảm bảo quyền tự do sáng tạo nghệ thuật trong khuôn khổ luật pháp và những chuẩn giá trị truyền thống của dân tộc.

Tự do sáng tác luôn đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Mọi xu hướng sáng tạo đều không thể làm trái quy ước này. Những sản phẩm VH-NT làm tổn hại tới lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là những sản phẩm gây hại tới lợi ích người dân phải được loại bỏ. Thực tế cho thấy, những năm qua, với quan điểm xuyên suốt và nhất quán “văn hóa là một động lực phát triển”, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc nhất, sự trân trọng văn nghệ sĩ ở mức cao nhất qua những chủ trương chính sách hỗ trợ về tinh thần và vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ có được những tác phẩm hay phục vụ tốt cho công chúng.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tư cho VH-NT rất cần được điều chỉnh hợp lý, có hiệu quả. Và để việc đầu tư có hiệu quả, cần có sự thống nhất chung quan niệm: Cách đầu tư tốt nhất cho VH-NT là đầu tư cho nguồn nhân lực VH-NT. Ai cũng biết, để có tác phẩm VH-NT hay, phải có những văn nghệ sĩ có tài và có tinh thần trách nhiệm xã hội cao. Đầu tư có trọng điểm chính là đầu tư cho người có tài. Trong VH-NT cũng có quy luật “từ lượng chuyển hóa thành chất”, nhưng tuyệt nhiên không thể có chuyện lấy số lượng thay cho chất lượng. Để có một nền văn hóa nhất thiết phải có đỉnh cao văn hóa. Trong nguồn nhân lực văn hóa có hai lực lượng cần được đầu tư đúng tầm mức: Đội ngũ sáng tác và đội ngũ quản lý VH-NT.

Đầu tư cho đội ngũ sáng tác là đầu tư cho việc sáng tác. Đầu tư cho đội ngũ quản lý là đầu tư cho việc quản lý. Khi đã xác định rõ “việc gắn với người”, “người gắn với việc”, vấn đề đầu tư sẽ minh bạch hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh xã hội và xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, bên cạnh đội ngũ sáng tác giỏi, rất cần có đội ngũ quản lý VH-NT có năng lực cao, “có tâm, có tầm”. Và để có những người tài trong sáng tác, trong quản lý, việc đầu tư phải đồng bộ, toàn diện. Tiền bạc là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Tài năng nào cũng cần được phát hiện và nuôi dưỡng. Việc nuôi dưỡng không chỉ ở vật chất mà rất cần đến những “dinh dưỡng” tinh thần.

Có thể nói, đầu tư cho VH-NT là công việc của toàn xã hội, trong đó Nhà nước là trụ cột, là trung tâm. Định hướng cho sáng tác thông qua đầu tư là cách định hướng tốt nhất. Đầu tư đúng sẽ có tác phẩm tốt. Đầu tư sai sẽ gây lãng phí, thậm chí phản tác dụng. Kết quả của đầu tư có được chính là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hội VH-NT chuyên ngành và hệ thống truyền thông. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, rất mong lãnh đạo TPHCM quan tâm đầu tư nhiều hơn tới các hội VH-NT (như Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh...), các trang báo và chuyên mục VH-NT trên các cơ quan truyền thông để những đơn vị này làm tốt chức năng phát hiện và nuôi dưỡng (về mặt tinh thần) các tài năng VH-NT.

Tân Văn

Tin cùng chuyên mục