Sự phát triển khá ồ ạt của bóng đá cho thấy, xã hội hóa thể thao tại Việt Nam là một định hướng đúng đắn của Chính phủ nhằm phát huy nguồn lực xã hội, giảm bớt đầu tư từ ngân sách, qua đó tạo sự đột phá về mặt thành tích. Thế nhưng, chủ trương xã hội hóa lại được triển khai khá chậm ở những môn thể thao khác, dù so về tính đại chúng không hề thua kém bóng đá. Cho đến nay, mới chỉ thêm bóng chuyền đang chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Các môn như bóng bàn, cầu lông, quần vợt, xe đạp, điền kinh… ngày một teo tóp quy mô cũng như chưa thoát khỏi “chiếc áo bao cấp”.
Gần 15 năm qua, bóng bàn Việt Nam vẫn chưa sản sinh thêm một cây vợt nào đủ sức thay thế Đoàn Kiến Quốc đã hơn 30 tuổi và đang xếp hạng 251 thế giới. Ở thời sung sức, Quốc từng đoạt vé dự Olympic Athens và Bắc Kinh, và xếp hạng 174 thế giới. Trong môn cầu lông, chỉ duy nhất Nguyễn Tiến Minh đạt được đẳng cấp thế giới trong vòng 20 năm qua. Môn bóng chuyền chưa bao giờ vượt qua được đẳng cấp Đông Nam Á.
Người yêu thể thao Việt Nam có quyền đòi hỏi sự phát triển mạnh hơn các môn thể thao kể trên. Thứ nhất, đó là các môn mà Việt Nam phát triển khá rộng tại cơ sở, đầu tư ít tốn kém mà độ quảng bá lại dễ dàng. Ví dụ như môn xe đạp, một vòng đua xuyên Việt đi qua trên dưới 40 tỉnh thành, dễ hút được các nhà tài trợ. Môn cầu lông, quần vợt đang được xem là “thời thượng” tại các thành phố lớn. Thứ hai, các môn thể thao trên phù hợp với tố chất người Việt vốn có ưu thế về độ khéo léo và trí óc thông minh. Trên bảng xếp hạng của bóng bàn, cầu lông thế giới, bao giờ chiếm đa số vẫn là các VĐV châu Á.
Vậy nhưng, tại Việt Nam, chúng ta đang đầu tư hơn 30 môn khác nhau và đều được xếp vào hàng trọng điểm. Mỗi kỳ SEA Games, Việt Nam tham dự gần như đủ các môn và cũng cố gắng gia tăng số lượng môn tại Á vận hội dù có hơn phân nửa số môn ấy không hề phổ biến tại Việt Nam và cũng chẳng có cơ sở nào để khẳng định chúng ta có thể phát triển thành tích tốt hơn khi các VĐV chỉ có tự tập với nhau hoặc tập huấn liên miên tại nước ngoài chỉ để phục vụ mục tiêu thành tích.
Ngay tại TPHCM, hiện có trên 20 môn được xem là trọng điểm nhưng từ sau tay vợt lừng lẫy Trần Tuấn Anh đến nay, bóng bàn thành phố không còn một gương mặt nam nào, chủ yếu tập trung cho nữ. Môn cầu lông, ngoài Tiến Minh, hiện cũng chưa có lực lượng kế thừa và đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các địa phương khác. Môn điền kinh cũng chỉ sản sinh được Trương Thanh Hằng trên đường chạy dài. Bóng chuyền không còn đội mạnh… Cần thấy rằng, đấy là những môn mà lẽ ra một thành phố có mức sống cao, có sự quan tâm đúng hướng phải chiếm ưu thế nổi bật chứ không phải cứ hồi hộp nhìn thành tích trồi sụt.
Thể thao TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện vẫn còn tư tưởng “cào bằng” từ tiền thưởng đến mức độ đầu tư. Bên cạnh đó, tiến trình xã hội hóa còn chậm. Tính đến thời điểm này, chỉ mới có một vài doanh nghiệp đầu tư thêm các môn khác ngoài bóng đá như Hà Nội T&T đang làm thêm bóng bàn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “nuôi” 2 đội bóng bàn, bóng chuyền, Becamex vừa bổ sung môn quần vợt, Tanimex có bóng chuyền bãi biển và quần vợt…
Nguồn đầu tư cho các môn khác chẳng thấm vào đâu so với bóng đá và theo chỗ chúng tôi được biết, các ông bầu bóng đá sẵn sàng mở rộng mô hình CLB chuyên nghiệp nhiều môn khác nhau nhưng họ đều thắc mắc là các liên đoàn, cơ quan quản lý nhà nước dường như không mặn mà lắm trong việc thuyết phục họ đầu tư thêm.
Tâm Việt