Đầu tư đến bao giờ?

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, việc xã hội hóa thể thao đã được triển khai khá đồng bộ nhưng tiêu biểu nhất, sâu rộng nhất là lĩnh vực bóng đá. Tính đến mùa giải 2011, đã có 100% các đội tham dự đạt chuẩn CLB chuyên nghiệp, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, độc lập hoàn toàn và có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Có thể nói, mức đầu tư cho bóng đá ngày một tăng. Năm sau cao hơn năm trước đến hơn 200%, biến giải bóng đá V-League trở thành một nơi đầu tư mạnh nhất, thậm chí ngay cả khi so sánh với các lĩnh vực kinh tế khác. Ngân sách thấp nhất cho một đội bóng hoạt động mỗi năm hơn 30 tỷ đồng, cao nhất lên đến 100 tỷ đồng. Với quy mô ấy, có thể khẳng định không có lĩnh vực nào được đầu tư nhiều như bóng đá. Điều đáng nói ở đây, đầu tư nhiều nhưng doanh thu đối với các doanh nghiệp bóng đá hầu như không có.

Toàn bộ số tiền đầu tư chỉ nhằm phát triển thương hiệu của doanh nghiệp tài trợ, hình ảnh của địa phương và tất nhiên, để thúc đẩy sự phát triển bóng đá nước nhà. Vậy nhưng có không ít nghịch lý: 10 năm qua, với mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (trung bình 500 tỷ đồng/mùa bóng) vẫn chưa có những sản phẩm bóng đá nào cụ thể và ấn tượng. Bản quyền truyền hình, một trong những tiêu chí đánh giá rõ ràng nhất, dù đã có từ 4 năm qua nhưng đến nay, vẫn chưa được sản xuất chính thức, vẫn phải nhờ cậy ở các đài truyền hình địa phương. Khán giả đến sân không tăng hơn so với thời “bóng đá bao cấp”. Ví dụ rõ ràng nhất, lượng khán giả tại 2 sân Hà Nội và TPHCM chưa đến 3.000 lượt người/trận. Các nguồn thu thường xuyên trong bóng đá hiện đại như bán vé, vật phẩm lưu niệm, hình ảnh đội bóng và cả bảng quảng cáo trên sân hầu như không đáng kể. Và cuối cùng, thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng không được cải thiện.

10 năm qua, chỉ một lần Việt Nam vô địch Đông Nam Á nhưng phong độ lại không ổn định, chưa có mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao trình độ lên tầm châu lục. Bên cạnh đó, suốt 5 năm qua, dù đã thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân từ khi mới 21 tuổi, nhưng đến nay tiền đạo Lê Công Vinh vẫn không có ai đủ khả năng thay thế. Đấy là chưa nói đến việc chống tiêu cực ở các trận đấu, đội ngũ trọng tài còn nhiều vấn đề bất cập, khiến dư luận nghi ngờ ở một số trận qua mỗi mùa giải.

Chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa thể thao, nhất là bóng đá, hoàn toàn đúng đắn và quá trình đầu tư vừa qua cho thấy nguồn lực xã hội dành cho môn thể thao đại chúng số 1 này là cực kỳ tiềm năng nhưng không thể cứ đầu tư mãi mà thiếu hiệu quả! Chính vì điều đó mà bản thân các doanh nghiệp đang đầu tư cũng bắt đầu cảm thấy thoái chí, đầu tư cầm chừng và cũng không còn khát vọng gặt hái thêm thành tích. Ví dụ như mùa giải 2011 sắp diễn ra, có rất ít đội bóng đặt chỉ tiêu vô địch, chủ yếu phấn đấu trụ hạng. Trong khi tiền lương, tiền chuyển nhượng lại tăng đến mức chóng mặt, tạo ra các mâu thuẫn về thu nhập trong xã hội.

Phải thừa nhận bóng đá có một sức hút mãnh liệt đối với các doanh nghiệp. Các đơn vị đang đầu tư vào V-League hiện nay 100% là doanh nghiệp trong nước. Họ đầu tư với 2 lý do: phát triển thương hiệu và hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào có đủ sức lẫn sự kiên nhẫn nếu kết quả hoạt động cuối mùa bóng không đạt được gì.

Những gì đang diễn ra đối với môn bóng đá khiến cho những nhà chuyên môn phải đánh giá lại quá trình xã hội hóa thời gian qua. Đã có những dấu hiệu của sự lãng phí các nguồn lực xã hội nếu như môn thể thao này không nâng cao được tính hiệu quả trong quá trình phát triển của mình.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục