Ðầu tư hạ tầng cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn: Cần 219,52 ngàn tỷ đồng

Theo Cục Ðầu tư hạ tầng Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 770 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại I, 11 đô thị loại II, 50 đô thị loại III, 64 đô thị loại IV và còn lại là đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt hơn 33,9%. Mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt 12% - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70% - 75% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng các đô thị đang tạo áp lực lớn cho Việt Nam trong việc đầu tư hạ tầng cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn (CTR) cho các đô thị.

Trên thực tế, đối với lĩnh vực cấp nước, hiện tổng công suất thiết kế là 6,9 triệu m3/ngày - đêm nhưng chỉ đáp ứng 79% - 80% (tại đô thị lớn >95%) tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch. Tỷ lệ thất thoát, thất thu cấp nước sạch vẫn còn cao, hơn 26%. Trong lĩnh vực thoát nước, cho đến nay cả nước chỉ mới có 24 trạm xử lý nước thải tập trung đang vận hành với tổng công suất xử lý đạt khoảng 670.000m3/ngày đêm và có khoảng 26 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 1.435.000m3/ngày đêm đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị hoàn thành.

Nhiều đô thị đang triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong đó tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới thoát nước. Một số đô thị như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thủ Dầu Một, Vinh, Cần Thơ..., đang triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, cho dù tất cả những nhà máy đang xây dựng hoàn thành thì cũng chỉ xử lý đạt 20% lượng nước thải đô thị.

Xử lý CTR hiện đang là vấn đề bức xúc của các địa phương trong cả nước do sự gia tăng nhanh chóng về khối lượng và sự phức tạp về thành phần các loại chất thải. Tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trong toàn quốc ước tính khoảng 31.500 - 32.000 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại khoảng 4.658 tấn/ngày, chất thải rắn y tế nguy hại khoảng 69

tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt đô thị trung bình đạt 84%. Tỷ lệ thu gom CTR khu vực nông thôn rất thấp, đạt 40% - 60%. Công nghệ xử lý còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp và chế biến chất thải hữu cơ thành phân compost.

Do vậy, để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2020, cần tăng tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%. Ðồng thời, giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18%; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đạt trên 80%; các đô thị loại III trở lên có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định lên 60%.

Tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định; các công trình thu nước bề mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung không được gây ô nhiễm; 100% chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh, 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 90% công nghiệp thông thường và nguy hại, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường… Cả nước cần 219,52 ngàn tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, nhu cầu vốn cho lĩnh vực cấp nước là 68,95 ngàn tỷ đồng, lĩnh vực thoát nước là 108,50 ngàn tỷ đồng và lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 42,07 ngàn tỷ đồng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục