Những ngày qua, dư luận cả nước nóng lên với kế hoạch đăng cai tổ chức Asiad 18 của Bộ VH-TT-DL. Để nâng cao vị thế của đất nước, người ta dự toán một con số chi phí khồng lồ, trong khi nền thể thao nước nhà còn đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn.
Còn ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ vẫn chưa hết “choáng” với đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học - nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020” cũng của Bộ VH-TT-DL. Theo đề án này, 71 nhà hát, 106 rạp chiếu phim, 66 công trình nhà triển lãm văn học - nghệ thuật (mỗi rạp hát có sức chứa 1.000 - 2.000 người) trên toàn quốc sẽ được đầu tư xây mới và nâng cấp, trong đó 2/3 là xây mới. Tổng kinh phí cho đề án này cũng khá lớn: 10.800 tỷ đồng.
Đông đảo nghệ sĩ cho rằng, số tiền đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật ấy sẽ chẳng tạo nên bức xúc trong dư luận nếu nguồn kinh phí đó được đầu tư phát triển đồng đều và toàn diện cho nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Đằng này, số kinh phí trên chỉ tập trung vào việc thực hiện ồ ạt các công trình xây dựng, tạo nên một sự mất cân bằng lớn cùng nhiều hệ lụy, nhiều điều bất hợp lý trong đời sống văn hóa nghệ thuật.
Thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về việc xây dựng các nhà hát hoành tráng, tốn kém, để rồi không phát huy được hiệu quả, đẩy các nhà hát đi lệch hướng. Ví dụ như Nhà hát Chèo Kim Mã, một thời tạo dấu ấn với đời sống tinh thần của người Hà Nội, sau khi được đầu tư xây dựng hoành tráng đã làm mất đi nét duyên, sự ấm cúng của một nhà hát chèo. Nhiều năm qua, hoạt động của nhà hát thưa thớt, không khai thác được hết công năng, giờ đây một phần diện tích nhà hát được cho thuê để bán đồ gốm, mở quán ăn. Báo chí cũng đã phản ánh nhiều về việc nhà hát, bảo tàng được đầu tư xây dựng cả ngàn tỷ đồng nhưng lại bị biến thành nơi… cho thuê tiệc cưới.
Khác với các lĩnh vực đầu tư khác, việc đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật luôn đòi hỏi sự song hành, tổng thể và toàn diện. Xây dựng các cơ sở vật chất mới chỉ là hình thức, vấn đề làm sao để nhà hát ấy, rạp chiếu phim ấy hoạt động hiệu quả và phát triển mới khó. Chúng ta đã cho xây bảo tàng thật lớn, nhưng lại thiếu cổ vật để trưng bày. Đi kèm một dự án xây dựng bảo tàng không hề có những đề xuất, dự toán cho việc đào tạo nhân sự, khai thác cổ vật, dự án kết nối với ngành giáo dục để đem kiến thức lịch sử sinh động, hấp dẫn đến với các trường học. Chúng ta đã xây các nhà hát rất quy mô nhưng không bắt buộc kèm theo dự án hỗ trợ cho các nghệ nhân, đào tạo cho các nhân tài. Trong thực tiễn, có rất nhiều dự án làm phim của các đạo diễn trẻ trong nước đang phải chờ chực nguồn hỗ trợ kinh phí từ bên ngoài; Dự án sân khấu học đường cũng đang trông chờ vào lòng hảo tâm của một số cá nhân nghệ sĩ.
Báo SGGP mới đây cũng lên tiếng về việc TPHCM đồng loạt triển khai xây dựng rạp chiếu phim 3D cho thiếu nhi ở khắp các quận, huyện, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng giờ đây bị bỏ phí, thiếu hiệu quả, chỉ vì không có nguồn kinh phí để mua phim từ nước ngoài, trong khi nguồn cung cấp phim 3D ở trong nước hầu như không có.
Ông bà ta vẫn nói: “Liệu cơm, gắp mắm”. Rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết bày tỏ nguyện vọng, họ không mơ ước về những nhà hát hoành tráng, chỉ cần các rạp hát đang bị bỏ phế được đầu tư chi phí hợp lý để nâng cấp, các vở diễn có nguồn kinh phí để chăm chút nâng cao chất lượng, đời sống của người nghệ sĩ bớt phải lo toan… thì họ đã có thể yên tâm làm nghệ thuật và các rạp hát sẽ luôn sáng đèn. Hiện nay, ở TPHCM đang có một nghịch lý là hàng loạt rạp hát đang bị xuống cấp, bỏ hoang, hoạt động sai công năng, trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động có hiệu quả lại không có nổi một điểm diễn ổn định để phục vụ khán giả.
Văn hóa - nghệ thuật có một vai trò quan trọng trong việc giáo dục, gắn kết cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật cần có cái nhìn tỉnh táo, khôn ngoan. Đi cùng với việc đầu tư cho các công trình văn hóa là sự đầu tư cho con người, đầu tư cho nguồn lực, trí lực và tài lực. Ở nhiều nước trên thế giới, họ luôn có những chủ trương, mục tiêu cụ thể, thiết thực, dài hơi và bền bỉ cho việc đầu tư phát triển văn hóa - nghệ thuật: Làm sao cho con em họ không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức văn hóa mà còn phổ cập biết chơi một môn thể thao, biết trình diễn một loại nhạc cụ… và được hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật đúng nghĩa. Đấy mới là sự đầu tư có chiến lược, lâu dài và thật sự vì nước, vì dân.
VIỆT HÀ