Đầu tư ngoài ngành - Nợ cao, hiệu quả thấp

Thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận thấp
Đầu tư ngoài ngành - Nợ cao, hiệu quả thấp

Ngày 18-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010. Dù 19/21 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) được kiểm toán vẫn có lãi nhưng câu chuyện về đầu tư ngoài ngành cho thấy hiệu quả luôn là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

Đóng tàu xuất khẩu tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ảnh: Diễm Thy

Đóng tàu xuất khẩu tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ảnh: Diễm Thy

Thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận thấp

Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), về đầu tư tài chính, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn đến 31-12-2010 tại 21 TĐ, TCT là 37.735 tỷ đồng (đầu tư ngắn hạn 11.959 tỷ đồng), bằng 6,46% tổng tài sản. Mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các doanh nghiệp không lớn nhưng đa số TĐ, TCT có hoạt động đầu tư ngoài ngành, trong đó nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư… nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được giao. Thậm chí, có một số đơn vị có tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước vượt quá mức vốn điều lệ và chưa tuân thủ quy định như: Công ty mẹ - TCT Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi; Công ty TNHH MTV Du lịch, dịch vụ Hà Nội thuộc TCT Du lịch Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do kinh nghiệm quản trị kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, thua lỗ (Tập đoàn Than – Khoáng sản đầu tư ngoài ngành suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%; Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tỷ suất 7,83%, hoạt động viễn thông lỗ hơn 1.000 tỷ đồng; Công ty mẹ TCT Hàng hải Việt Nam là 8,63%, hoạt động đóng tàu, bất động sản chưa thu được lợi nhuận dù đã đầu tư lâu…). Những gương mặt điển hình mà KTNN “điểm danh” như: EVN lỗ 8.416 tỷ đồng, TCT Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.

Công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế như tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn, nợ khó đòi phát sinh rất lớn. Chẳng hạn, nợ phải thu trên tổng tài sản của TCT Xây dựng Trường Sơn là hơn 50%, TCT Xây dựng đường thủy là trên 37%, TCT Xây dựng phát triển hạ tầng 22%...

Kiến nghị chung liên quan đến TĐ, TCT nhà nước, KTNN cho biết, số thuế và các khoản phải nộp của các đơn vị này tính đến hết năm 2010 là 7.579 tỷ đồng, trong đó, KTNN kiến nghị tăng thêm 545 tỷ đồng.

Ở khối doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, theo KTNN, hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết của khối này cơ bản thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên, hiệu quả một số khoản đầu tư thấp. Cụ thể, với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), khoản góp vốn vào TCT Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn bị suy giảm gần 90% giá trị; hay tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư của công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) chỉ đạt 2,9% - thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm; Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) góp vốn và cho vay TCT Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Kinh doanh dựa trên chiếm dụng vốn

Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, quy mô vốn chủ sở hữu của 21 TĐ, TCT được kiểm toán là gần 157.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 11/21 TĐ, TCT hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao (TCT Xây dựng Trường Sơn 9,19 lần; TCT Xây dựng và phát triển hạ tầng 4,79 lần; TCT Đầu tư phát triển nhà và khu đô thị (HUD) 4,01 lần; EVN 3,83 lần; TCT Hàng hải Việt Nam 3,12 lần; TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam 2,15 lần…) nên dễ gặp nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản… Có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn, có những doanh nghiệp cổ đông chưa góp đủ vốn điều lệ theo cam kết như: EVN, HUD, TCT Truyền thông đa phương tiện.

Ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, theo KTNN, kết quả báo cáo tài chính năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy hoạt động kinh doanh năm 2010 đạt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Chẳng hạn, vẫn còn tình trạng tại ngân hàng thương mại nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu theo quy định của NHNN như VCB hay VDB cho vay thương mại ngoài các chương trình được Nhà nước cho phép, kết quả kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng và tăng so với trước đây; DATC không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn (ước tính trên 70 tỷ đồng); một số công ty con của TĐ Bảo Việt kinh doanh thua lỗ.

Cũng theo KTNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 lên tới hơn 31% vượt chỉ tiêu 6% gây áp lực khó khăn cho kiểm soát lạm phát, trong đó, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực chứng khoán và bất động sản ở mức cao (tương ứng gần 41% và trên 28%)…

Theo đánh giá của KTNN, việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ năm 2010 đã không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Kiến nghị về kết quả kiểm toán năm 2011 với niên độ ngân sách 2010, KTNN đề nghị xử lý về tài chính hơn 21.700 tỷ đồng (tăng thu hơn 3.200 tỷ đồng; giảm chi gần 2.200 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.200 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách gần 14.400 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 772 tỷ đồng).

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục