Đầu tư nước ngoài và tầm nhìn mới

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 2-2011, đã có 34 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký đạt 1.089,5 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 1.101 triệu USD (cùng kỳ năm trước 328,3 triệu USD). Riêng dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Đông Nam, Củ Chi có vốn đầu tư 1 tỷ USD. Ngoài ra, có 9 dự án liên doanh với số vốn là 75,9 triệu USD và 25 dự án 100% vốn nước ngoài với vốn đầu tư 1.013,6 triệu USD. 

Theo lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất 1.028,5 triệu USD với 6 dự án. Ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn có 13 dự án, vốn đầu tư 41,3 triệu USD.

Tiếp sau đó là ngành thương mại với 16,4 triệu USD và ngành xây dựng  với 2,7 triệu USD. Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất với 6 dự án, vốn đầu tư , Hàn Quốc đầu tư vào 9 dự án, vốn đầu tư 20,4 triệu USD. Hà Lan chỉ có 1 dự án song vốn đầu tư lên tới 20 triệu USD.

Nhìn vào con số dự án đầu tư và quy mô vốn, có thể thấy vốn đầu tư FDI năm 2011 có những dấu hiệu khả quan trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh có dấu hiệu sa sút, hàng hóa chậm tiêu thụ, xu hướng đầu tư có chiều hướng chuyển dịch sang những nước có giá thuê đất rẻ hơn, giá nhân công thấp hơn so với nước ta. Những nước có mức đầu tư lớn như Nhật Bản năm nay không may bị thiên tai tàn phá, động đất hủy hoại khiến họ có thể ngưng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch cơ cấu đầu tư, giảm gia công lắp ráp, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống, nhưng đã lạc hậu về công nghệ sang những chế tạo mặt hàng mới có giá trị hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng cao… như các hãng điện thoại di động Samsung, LG sản xuất TV LCD, máy ảnh, máy quay phim kỹ thuật số, điện thoại di động tại Việt Nam. Tuy nhiên, với các sản phẩm mới như máy tính bảng, các loại máy điện tử thế hệ mới như TV 3D, laptop… vẫn chưa thấy các nhà đầu tư sản xuất ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, sự thu hút, chuyển dịch cơ cấu sản xuất các mặt hàng kỹ thuật cao gắn chặt với nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của chúng ta.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng nông sản, thực phẩm đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như nhà máy sản xuất sữa, chế biến cà phê hòa tan, hạt điều, cao su… đang có những hiệu quả nhất định. Với lượng cà phê hạt có trữ lượng lớn, việc chế biến cà phê hòa tan đem lại giá trị cao cho mặt hàng xuất khẩu này, cần thu hút thêm nhà máy mới, công nghệ chế biến mới, cho ra sản phẩm xuất khẩu mới cung cấp cho thị trường.  Ngành chế biến cao su cần tăng cường các mối quan hệ, xúc tiến, mở cửa cho các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm lốp ô tô, xe máy đang có sức tiêu thụ rất lớn trên thị trường VN. Việc xuất khẩu mủ cao su khiến chúng ta mất đi giá trị hàng hóa hàng tỷ USD…

Trên lĩnh vực đầu tư bất động sản, năm qua TPHCM đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vào các dự án nhà ở, văn phòng… nhưng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, mức đầu tư trên là chưa tương xứng với quy mô, vị trí, sức tiêu thụ của một thành phố gần 10 triệu dân. Chính vì xác định cung cầu chưa chuẩn xác, nên lĩnh vực này có những trì trệ nhất định, những tháng đầu năm 2011 chưa thấy có nhà đầu tư nào đổ thêm vốn vào thị trường bất động sản. Nhiều cao ốc văn phòng, nhà chung cư cao cấp bị chôn vốn khiến nhà đầu tư chùn bước. Công tác tư vấn, xác định nhu cầu của thị trường cần có những nghiên cứu kỹ hơn, phù hợp hơn để tạo sức bật mới cho thị trường giàu tiềm năng này.

Những vấn đề trên cho thấy việc xúc tiến thu hút đầu tư vẫn còn những khiếm khuyết, chưa tận dụng thế mạnh sẵn có về nguyên liệu, nhu cầu thực và hợp lý của xã hội để vận động các nhà đầu tư bỏ vốn vào. Chúng ta cần đánh giá lại thế mạnh - còn ở dạng thô, nhưng có nhu cầu lớn của thị trường để thúc đẩy nhà đầu tư nhảy vào.  Năm 2011, hy vọng các nhà kinh tế thành phố nhìn rõ hơn tiềm năng, thế mạnh, có tầm nhìn, hướng đi mới tạo cơ sở cho đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố.

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục