Ngành thể thao Việt Nam vừa công bố 80 VĐV sẽ được đầu tư trọng điểm trong năm 2015 với những mục tiêu cụ thể tại SEA Games 28 và các giải đấu quốc tế giành quyền dự Olympic 2016. Được đầu tư trọng điểm tức là hưởng chế độ bồi dưỡng cao hơn, ưu tiên tập huấn nhiều hơn và chịu áp lực về huy chương nặng nề hơn. Đây được xem là một phần trong chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam, qua đó, thay vì đầu tư dàn trải để thu gom nhiều huy chương ở nhiều môn thì sẽ có một số VĐV cụ thể, được đầu tư riêng nhằm phát triển thành tích tại các đấu trường lớn như Asiad, Olympic.
Đây là chiến lược được đúc kết từ thực tiễn tham gia những đại hội thể thao lớn trong hơn 10 năm qua. Tại Olympic 2000, võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân làm nên kỳ tích khi đoạt HCB, chiếc huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường này. Nhưng phải đến 8 năm sau, VĐV Hoàng Anh Tuấn mới tái lập kỳ tích với chiếc HCB nội dung cử tạ hạng 56kg. Nếu sau VĐV Trần Hiếu Ngân, taekwondo Việt Nam không còn cơ hội tiếp cận huy chương Olympic thì với cử tạ, việc đầu tư đúng mức, có trọng tâm, thể thao Việt Nam có quyền tính đến huy chương, thậm chí là cả HCV - đối với trường hợp của lực sĩ Thạch Kim Tuấn.
Trường hợp tương tự ở môn bơi lội, với VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đang tiếp cận tốp tranh huy chương tại Olympic nếu tiếp tục duy trì sự phát triển thành tích nhờ quá trình đầu tư dài hạn ở chuyến tập huấn tại Mỹ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc đầu tư trọng điểm chỉ là một hình thức khác của mô hình “nuôi gà chọi” vốn chỉ tồn tại trong các nền thể thao nghiệp dư. Ở mô hình này, thông thường VĐV chỉ chuyên ăn tập để cải thiện thành tích nhưng khi ra thi đấu, thường không đạt yêu cầu do có sự khác biệt giữa tập luyện và tranh tài thực tế. Tuy nhiên, muốn “đấu thật” tốt thì lại tốn kém chi phí khi tham gia những giải đấu quốc tế. Đây chính là điểm yếu của mô hình đầu tư trọng điểm, bởi thông thường các VĐV nằm trong chương trình này thường lại không thuộc các môn thi đấu chuyên nghiệp.
Điền kinh Việt Nam đã có nhiều môn đạt thành tích hàng đầu châu Á, như VĐV chạy tốc độ Vũ Thị Hương ở thời đỉnh cao mỗi năm cũng chỉ tham gia được 1 - 2 giải quốc tế, thời gian còn lại chỉ tập luyện dù không hề có đối thủ cạnh tranh trong cùng cự ly. Thế nên, dù là “nữ hoàng tốc độ” tại các kỳ SEA Games, nhưng ở đấu trường Asiad thì thành tích của Vũ Thị Hương vẫn chưa được cải thiện.
Đối với thể thao chuyên nghiệp, sự phát triển thành tích của một VĐV được dựa trên quá trình thi đấu. Như trường hợp của VĐV Lý Hoàng Nam trong môn quần vợt. VĐV trẻ này bị kỷ luật không được tham gia thi đấu trong nước, nhưng được cơ quan chủ quản đầu tư cho tham dự các giải quần vợt chuyên nghiệp, thành tích của Lý Hoàng Nam vẫn thăng tiến. Cho dù không thi đấu tại giải vô địch quốc gia, người ta vẫn biết chắc là Lý Hoàng Nam vẫn đang là tay vợt số 1 Việt Nam. Tương tự Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông, Lê Quang Liêm ở cờ vua, đều được xác định năng lực bằng các thứ hạng rất rõ ràng trong làng thể thao chuyên nghiệp thế giới.
Sau một thời gian dài chạy theo thành tích tại các kỳ SEA Games thông qua số lượng huy chương, thể thao Việt Nam cũng đã thay đổi tư duy khi chuyển sang đầu tư cho những môn thi đấu Olympic. Điều cần thiết không phải là đầu tư trọng điểm cho một nhóm VĐV để tìm kiếm những thành tích đặc biệt, bởi nếu như chúng ta có một môn thể thao phát triển rộng về phong trào, VĐV được thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp, tham gia nhiều giải đấu quốc tế thì đương nhiên, họ sẽ tự cải thiện và phát triển thành tích chứ không cần phải ăn - tập suốt cả năm để hướng đến một chiếc HCV tại SEA Games hay chiếc vé dự Olympic.
ĐĂNG LINH