Đầu tư vào Myanmar - Còn nhiều cản ngại

3 năm qua, TPHCM liên tiếp tổ chức các kỳ hội chợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thăm dò, tiếp cận với thị trường Myanmar. Từ năm 2014, lãnh đạo TP đã thể hiện rõ quyết tâm chinh phục thị trường này, thông qua các cuộc gặp gỡ với các quan chức của Myanmar nhằm tìm cách thức hợp tác hiệu quả nhất. Trên thực tế, hành trình chinh phục “Myanmar - mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” là không đơn giản!
Đầu tư vào Myanmar - Còn nhiều cản ngại

3 năm qua, TPHCM liên tiếp tổ chức các kỳ hội chợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thăm dò, tiếp cận với thị trường Myanmar. Từ năm 2014, lãnh đạo TP đã thể hiện rõ quyết tâm chinh phục thị trường này, thông qua các cuộc gặp gỡ với các quan chức của Myanmar nhằm tìm cách thức hợp tác hiệu quả nhất. Trên thực tế, hành trình chinh phục “Myanmar - mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” là không đơn giản!

“Khát” hàng hóa, dịch vụ

Đó là nhận xét chung của hầu hết các doanh nghiệp (DN) TPHCM đã tham gia các kỳ Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ TPHCM tại Myanmar, hoặc lần đầu tiên đi khảo sát thị trường này. Biểu hiện rõ nhất là qua các kỳ hội chợ, hàng hóa của các DN Việt Nam được bán hết chỉ sau vài giờ khai mạc.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) Phó Nam Phượng, sau 2 kỳ tổ chức hội chợ năm 2012 và 2013 tại Myanmar, đã có 115 DN Việt Nam tìm được đại lý phân phối, đã và đang cung cấp thường xuyên một số mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hóa mỹ phẩm, nhựa, hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ. Một số DN tham gia đấu thầu cung cấp vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất… cho các công trình xây dựng cơ bản, nhà xưởng. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cũng cho rằng, Vissan đã xác định Myanmar là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực từ nay đến năm 2020. Năm 2013, xuất khẩu của Vissan vào Myanmar mới đạt 500.000 USD và hàng hóa cũng chỉ dừng ở một số đồ hộp từ thịt gà và cá, nhưng công ty xem đây là bước đi đầu tiên trong việc khai phá thị trường mới.

Sản xuất đồ hộp xuất khẩu sang thị trường Myanmar. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất đồ hộp xuất khẩu sang thị trường Myanmar. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông U-Min-Suề, Thủ hiến vùng Yangon - Myanmar, mặc dù Myanmar có những nỗ lực lớn để phát triển, nhưng thực tế nền kinh tế còn yếu về nhiều mặt, hàng hóa khan hiếm, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu. Yangon mong muốn được hợp tác với TPHCM nhằm tăng cường hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, đồng thời phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và du lịch. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng cho rằng, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân Myanmar rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Myanmar tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014 với 225 triệu USD, bằng kim ngạch cả năm 2013. TPHCM đang dẫn đầu trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, do vậy các DN cần mạnh dạn hơn trong việc hợp tác, không nên bỏ lỡ cơ hội nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại trong những năm tới.

Những khó khăn

Là người xâm nhập thị trường ngay sau khi Myanmar mở cửa nền kinh tế, bà Phó Nam Phượng nhìn nhận, mặc dù Myanmar có nhiều cơ hội, song đi vào thực tế, DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Hiện Chính phủ Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lưu thông phân phối hầu hết hoạt động thương mại chỉ dành cho DN trong nước. Nếu muốn tiếp thị hàng hóa vào Myanmar, các DN chỉ có thể thực hiện thông qua hình thức hợp đồng đại lý, hoặc hợp tác với các nhà phân phối địa phương.

Mặt khác, việc thanh toán hàng hóa nhập khẩu vào Myanmar cũng vướng do các ngân hàng Việt Nam chưa có chi nhánh chính thức tại Myanmar nên DN phải mở thư tín dụng tại ngân hàng nước thứ ba là Singapore. Chi phí vận chuyển hàng hóa vào Myanmar khá cao, thủ tục hải quan chưa thông thoáng, hàng nhập khẩu vào Myanmar chịu nhiều quy định phức tạp, như phải để ngoài bãi khoảng hai tuần, thay vì đưa về kho để làm thủ tục, là rào cản lớn đối với DN Việt Nam kinh doanh tại Myanmar.

Nhiều DN cũng cho rằng, chi phí thuê đất, thuê mặt bằng hiện gấp 3 lần so với giá thuê trung bình tại TPHCM, chi phí vé máy bay kể cả quốc tế và quốc nội của Myanmar, cũng như chi phí khách sạn khá cao, khiến ngành du lịch chưa thật sự tạo được sức hút, mặc dù các công ty du lịch Việt Nam rất mong muốn hợp tác phát triển hai chiều với Myanmar. Thời hạn lưu trú (visa) được Myanmar cấp phép cho nhân công nước ngoài rất ngắn, chỉ khoảng 70 ngày đã gây khó khăn cho các DN sản xuất, thi công các công trình. Do vậy, nếu DN không bền chí, không có chiến lược thâm nhập bài bản, chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh với các “đối thủ” khác.

Tại Hội thảo Xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch Việt Nam - Myanmar 2014 tổ chức vừa qua tại Yangon, cũng như tại các buổi thăm và làm việc với Thủ hiến vùng Yangon và Bộ trưởng Thương mại Myanmar Win Myint, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác tại Myanmar, đồng thời xem đây là thị trường trọng điểm của TPHCM năm 2014 và các năm tiếp theo. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn đặt vấn đề, Chính phủ Myanmar nên nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục như giấy phép nhập khẩu, giấy phép chuyên ngành, thời gian làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu;… xem xét chính sách cấp visa đối với nhân sự nước ngoài sang làm việc tại Myanmar; chính sách thuế với các giải pháp giảm giá thuê đất, tạo điều kiện cho DN đầu tư xây dựng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Myanmar. Cần tăng cường các tuyến bay giữa Việt Nam và Myanmar, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam thành lập chi nhánh tại Myanmar nhằm giúp việc thanh toán trong giao dịch thương mại giữa DN hai nước được nhanh chóng.

Các quan chức của Myanmar cho biết sẽ cử một quan chức cấp cao làm đầu mối để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu về Myanmar nhằm đẩy nhanh quá trình hợp tác trong các lĩnh vực, tăng cường kim ngạch xuất khẩu.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục