Dạy học sinh biết yêu đồng bào, hướng tới “công dân toàn cầu”

Ngày 5-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 tại 63 điểm cầu ở 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.
Dạy học sinh biết yêu đồng bào, hướng tới “công dân toàn cầu”

Ngày 5-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 tại 63 điểm cầu ở 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.

Quang cảnh buổi Hội nghị. Ảnh: VGP

Đổi mới phải phù hợp với điều kiện của đất nước

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, giáo dục còn rất nhiều thứ chưa hài lòng. “Tôi và các lãnh đạo ngành giáo dục nhận thức sâu sắc điều này”, Phó Thủ tướng nói. Ông cũng cho rằng, giáo dục chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi - quá trình thực hiện đổi mới vì thế không thể làm ngay một lúc mà sẽ có các bước đi trung gian. Đã là bước đi trung gian thì không bao giờ có thể toàn vẹn. Đề cập những thay đổi tích cực trong kỳ thi THPT quốc gia qua 2 năm (2015, 2016) như giảm từ 4 đợt thi xuống 1 kỳ thi, tổ chức ở tất cả các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, việc đổi mới thi cử cần phải tiếp tục đến bước cuối cùng theo đúng xu thế quốc tế, phổ thông là phổ thông, các trường đại học tự chủ tuyển sinh.

Phó Thủ tướng lưu ý các bước đi cụ thể phải tuân thủ nguyên tắc “bất di, bất dịch” đã được nêu trong Nghị quyết 29 như triết lý giáo dục là khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn của con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức công dân toàn cầu; phù hợp với xu thế của thế giới về thi cử, nhận xét, đánh giá học sinh thay cho chấm điểm, các mô hình giáo dục mới, định hướng phân luồng... Các bước đổi mới giáo dục phải phù hợp với điều kiện của đất nước.

Đơn cử như chủ trương cấm dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục, bên cạnh việc khắc phục bất cập, hạn chế liên quan đến thi cử, tâm lý xã hội, kể cả tính gương mẫu của giáo viên, thì cần phải có đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu làm được như vậy thì áp lực dạy thêm, học thêm cũng bớt đi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong muốn ngành giáo dục quán triệt tinh thần “thực sự coi học sinh là trung tâm” từ những việc rất cụ thể như đổi mới khai giảng, cải tạo khu vệ sinh ở các trường học, rèn luyện tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động. “Chúng ta phải quyết tâm làm đúng với tinh thần vì các cháu với triết lý, với mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất”, Phó Thủ tướng nói.

Lấy giáo dục làm đầu, nhân tài làm gốc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng đã phân tích rất cụ thể, sâu sắc về các kết quả đạt được cũng như từng hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục trong thời gian qua. “Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, chúng ta phải chi hàng tỷ USD cho việc đưa con em ra nước ngoài học tập. Đào tạo sau đại học chất lượng đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn những hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng. “Người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học, nhất là ở thành phố, đến học thêm, dạy thêm, học phí... Các đồng chí phải lắng nghe các bất cập này để giải quyết trong thời gian tới”, Thủ tướng thẳng thắn. Theo Thủ tướng, nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản, trong đó có việc chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội với nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội, còn nhiều tội phạm vị thành niên. Khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm.

Từ phân tích đó, Thủ tướng đã có những lưu ý với ngành giáo dục. Cụ thể, về giáo dục phổ thông, đây là nền tảng của giáo dục nói chung, hình thành nhân cách người công dân Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình phải bảo đảm hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ với tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng người già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. “Bây giờ nhiều học sinh không thuộc, không nhớ chút nào về lịch sử dân tộc. Chúng ta phải tìm nguyên nhân, có giải pháp tốt hơn đối với môn lịch sử”, Thủ tướng nói. Cùng với đó, dạy cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, về mỹ thuật, nghệ thuật. Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, bảo đảm các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp.

Về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng cho rằng, phải bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN. “Tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động. Đừng để tình trạng ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên. “Tôi muốn gửi gắm cho ngành về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói: nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi, Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước”, Thủ tướng bày tỏ. Xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục