Với mỗi người dân Việt Nam, việc học tập của con em luôn là ưu tiên số 1. Vì vậy, lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017 là thông tin được quan tâm nhất trong ngày 5-9. Bằng chứng là mạng xã hội trong ngày 5-9 nội dung chủ đạo là về khai giảng: bố mẹ hân hoan chia sẻ thông tin, hình ảnh con cái đi khai giảng với những kỳ vọng vào một năm học tốt đẹp; thầy cô giáo hân hoan chia sẻ niềm vui của ngày khai trường…
Mong muốn ngành giáo dục, nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chú trọng việc giáo dục các em trở thành những người tử tế
Trong ngập tràn thông tin về lễ khai giảng trên mọi miền đất nước, thông tin 2 học sinh ở Hà Tĩnh trên đường đi dự khai giảng “nhặt được của rơi tìm người đánh mất” vẫn là thông tin được mọi người quan tâm nhất, chia sẻ nhiều nhất, thấy ấm lòng nhất.
Hai em Dương Văn Thạch và Nguyễn Công Đức (học sinh lớp 12M, Trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) trên đường đi khai giảng thì thấy người phụ nữ đi trước đánh rơi một túi xách, các em nhặt được, đuổi theo không kịp nên đã mang túi đến trình báo công an để trả lại cho người đánh mất là một cô giáo mầm non. Biết tin, hai em đã được nhà trường thưởng nóng mỗi em 200.000 đồng và biểu dương các em trước toàn trường để làm gương cho các bạn.
Bài học “nhặt được của rơi tìm người đánh mất” vốn là bài học nằm lòng của các thế hệ học sinh. Nhưng tại sao hôm nay, việc tưởng như đơn giản, là lẽ dĩ nhiên phải thế lại thành câu chuyện “người tốt việc tốt” mà báo chí phải tuyên truyền và được cộng đồng tán dương? Phải chăng, hiện nay những câu chuyện như vậy đã không còn phổ biến, đã trở thành “của hiếm” nên cần phải tuyên dương, khích lệ?
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016 - 2017 đã nêu rất rõ, một trong mục tiêu cơ bản của của giáo dục phổ thông là chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Như vậy cũng có thể thấy, ngành giáo dục đã nhìn thấy được thực tế và đặt mục tiêu trọng tâm. Bởi sự thật là, tình trạng một bộ phận học sinh, sinh viên có biểu hiện, hành vi sa sút về đạo đức, lối sống đã dần trở nên phổ biến, gây hệ lụy xấu.
Trong ngày khai giảng 5-9, rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã cùng chung niềm vui khai giảng với thầy và trò ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng điểm rất chung là từ Chủ tịch nước đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều thể hiện mong muốn ngành giáo dục, nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chú trọng việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, để các em có thể trở thành những người tử tế. Tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong các em nỗ lực phấn đấu, thi đua học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, thương yêu, giúp đỡ bạn bè. Tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong gia đình phối hợp với nhà trường để giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương cho học sinh - vì những điều quan trọng đó làm nên phẩm giá con người. Tiên học Lễ, hậu học Văn, trước hết là lễ phép với gia đình, cha mẹ, ông bà, với thầy cô, đó là biểu hiện sự trân trọng với thầy cô, với gia đình, ông bà.
Tại Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (Hà Nội), khi bất ngờ đến dự khai giảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ về câu chuyện bỏ chấm điểm học sinh tiểu học thay bằng nhận xét của giáo viên. “Thế giới bây giờ người ta dạy trẻ con không có ganh đua, miễn là mình làm hết sức mình. Suy cho cùng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, là đạo đức”, Phó Thủ tướng nói. Khi thấy một học sinh không nhặt rác bỏ thùng chỉ vì “cái này không phải của cháu” cũng như có ý kiến gợi lại câu chuyện một trường tiểu học ở Nha Trang bắt học sinh khiêng bàn gây tranh cãi vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tâm tư: “Phải dạy các cháu từ những thứ rất nhỏ. Có những việc mỗi học sinh đều có thể tự làm như dọn vệ sinh, trồng cây, nhặt rác nhưng cũng có những việc rất cần sức lao động tập thể. Các cháu sẽ thấy, có những việc không làm được một mình. Một cháu không khiêng được cái bàn nhưng 10 cháu sẽ khiêng lên được. Một cháu bỏ tay xuống thì các bạn khác sẽ khổ. Nhiều cháu bỏ tay xuống thì sẽ không khênh được bàn. Lao động rất cần thiết để các cháu yêu lao động, biết tôn trọng người lao động”. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khi dự khai giảng với thầy và trò Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) cũng đã mong muốn nhà trường giáo dục ý thức tham gia giao thông đối với học sinh, góp phần hình thành văn hóa giao thông tại Việt Nam…
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi dự khai giảng năm học mới 2016 - 2017 tại Trường THPT Xuân Trường (Nam Định) đã mong muốn nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, học chữ, “nhưng trước hết là học làm người, trở thành những người tử tế”. Có thể thấy, chưa bao giờ việc dạy học sinh làm người, trở thành những người tử tế... lại trở lên bức thiết như bây giờ. Ai cũng mong học sinh đến trường không chỉ được học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, mà còn được học những bài học về tình yêu thương ông bà, cha mẹ, đồng loại, tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm với cộng đồng, quê hương, biết yêu ghét có trách nhiệm. Cùng với đó là được học các kỹ năng mềm, những kỹ năng giao tiếp, hòa nhập, được trải nghiệm sáng tạo để phát huy mọi tiềm năng cá nhân... Mong muốn này liệu có trở nên xa xôi quá không? Câu hỏi này dành cho ngành giáo dục.
LÂM NGUYÊN