Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên học sinh, sinh viên cả nước đã nghỉ học gần 2 tháng nay. Cùng đó, Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Với học sinh cả nước (trừ học sinh THPT một số tỉnh thành đi học từ 2-3), chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 mới chỉ khởi động sau khi Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương tăng cường hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến.
Mới nhất, để rút ngắn chương trình học kỳ 2, Bộ GD-ĐT quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học của tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12. Bộ GD-ĐT cho hay, việc tinh giản nội dung sẽ không thực hiện cơ học mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước. Đề minh họa và đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ xây dựng dựa trên nội dung chương trình đã tinh giản. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020.
Quá trình triển khai các hình thức học tập trực tuyến thời gian qua cho thấy, học trực tuyến giúp học sinh - sinh viên không bị đứt mạch kiến thức, tránh lãng phí thời gian dù các em không tới trường. Nhiều học sinh thích thú với các tiết học trên truyền hình vì với lợi thế công nghệ, bài giảng của giáo viên có thể xen kẽ nhiều nội dung hấp dẫn. Đơn cử tiết học văn lớp 7 của một trường ở Hà Nội tuần qua, khi dạy nội dung về cuộc đời Bác Hồ đã phát xen kẽ phim tài liệu có lồng các ca khúc về Bác, giúp học sinh cảm thụ trọn vẹn. Nhiều thầy cô tận dụng thế mạnh của mạng xã hội hay các phần mềm như Zoom metting để tương tác, dạy học sinh hoặc giao bài tập ôn qua mạng Vitess, Viettel study. Dạy học trực tuyến về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, dù học tại nhà học sinh vẫn được hướng dẫn, tương tác, cung cấp kiến thức như học trên lớp.
Dù đây là những giải pháp tình thế và xác định dạy - học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn dạy - học trực tiếp nhưng cho thấy đây là giải pháp căn cơ để Bộ GD-ĐT nhìn lại tổng thể chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới một cách tối ưu nhất. Trong đó, Bộ GD-ĐT cũng có thể tính đến việc cắt giảm thời gian học trên lớp, tăng thời gian tương tác, dạy học bằng công nghệ và công nhận kết quả học trực tuyến... như thực tế đang diễn ra. Từ đó, bộ có hướng dẫn triển khai để giảm tải cho học sinh. Với thế mạnh của công nghệ, có thể thiết kế các bài giảng điện tử với sự điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn là khả thi.
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bước vào thời đại công nghệ phát triển nên việc thay đổi các hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận kiến thức cũng cần thay đổi để thích nghi. Với không ít ứng dụng cho việc học tại nhà, dạy học trực tuyến là điều kiện tốt để chuyển đổi người học từ thụ động sang chủ động. Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT và Bộ TT-TT có thể phối hợp đề xuất Chính phủ hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ phục vụ phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho các địa phương. Song song đó, các bài giảng điện tử phải bảo đảm không “buông lỏng” chất lượng. Theo đó, Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc.
PHAN THẢO