Đây, hồn thơ thời đại ta đây (*)

Đây, hồn thơ thời đại ta đây (*)

Biển đảo trong nhạc và thơ

Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có viết: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu/ Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh/ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi… Có thể, đây là những câu thơ hay về biển, về tình người, về cuộc sống.

Không phải ngày nay chúng ta mới có những sáng tác về biển. Ta vốn có truyền thống “con Rồng, cháu Tiên”, cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ chia 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển dựng xây nên non nước Việt Nam. Đề tài càng nóng lên khi chủ quyền biển đảo Tổ quốc bị đe dọa, xâm lấn. Đề tài biển đảo Việt Nam đã được các nghệ sĩ Việt Nam xem là tất yếu, một nhu cầu sống của đất nước Việt Nam. Bởi vì “Tôi chưa nghe đất đẹp thế bao giờ/ Lại thiếu nước để trời soi thấy đáy”. Đất và Nước, đã trở thành tên gọi quê hương Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng làm một chuyên đề thơ và nhạc về biển đảo, mà chỉ ghi nhận đôi điều về những câu hát, bài hát, câu thơ, bài thơ nhiều người thuộc mà chúng tôi cho là hay.

Trong thời kỳ chống Pháp, ở Liên khu IV người ta thường hát bài Vượt trùng dương của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Đây con thuyền vượt muôn trùng dương (này). Sớm lên đường trời đang mù sương (này)… Trong thời kỳ chống Mỹ, bài hát được nhớ nhiều, hát nhiều, có sức sống lâu dài phải kể tới Xa khơi, một ca khúc kinh điển của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Nắng tỏa chiều nay… ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ… Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi… Có thể nói với bài Xa khơi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ghi một dấu ấn đậm của ca khúc cách mạng Việt Nam, là một trong những bài hát về biển vào loại hay nhất của âm nhạc Việt Nam. Nếu xem Xa khơi là khúc mở đầu, thì Bài ca thống nhất của Võ Văn Di là khúc kết của một quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, mà hình tượng biển hiện lên lung linh nhiều màu sắc: Biển trời bao la/ Đẹp như gấm hoa/ Nước mây muôn mầu/ Những con tàu ra bắc vào Nam… Biển trời quê ta/ Rộn vang tiếng ca…

Trong thời kỳ 1954-1975 còn có Những thành phố bên bờ biển cả của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu phổ thơ Huy Cận, Chiều trên bến cảng của Nguyễn Đức Toàn, Bến cảng quê hương tôi của Hồ Bắc, Thơ tình lính biển nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Trần Đăng Khoa, và Biển nhớ của Trịnh Công Sơn: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…

Càng về sau, đề tài Biển xuất hiện nhiều. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thành công trong việc phổ thơ, ông có Thuyền và biển thơ Xuân Quỳnh, Phạm Minh Tuấn có Mùa xuân bên những giếng dầu… Nhạc sĩ Hồng Đăng có Biển hát chiều nay: Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/ Chân trời vẫn xanh mà nắng ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Câu hát gợi lên những khát khao đại dương… Đó là chưa tính những tác phẩm có nhắc đến biển trong các bài thơ, bài hát về những địa phương có biển.

Dễ nhận ra là những bài hát, bài thơ về biển đều rất đẹp, hoành tráng, phóng khoáng và mang hơi thở của bỉển, nghĩa là xôn xao, rạo rực đầy sức sống bay cao và lắng sâu.

Ảnh: Chiến Dũng

Thơ và nhạc thường song hành trong các đề tài nóng, thời sự và cũng là những đề tài muôn thuở của tình yêu, lòng khao khát hy vọng… Ca khúc về biển có mặt và thơ trữ tình cũng ghi dấu ấn đẹp, nếu không nói là trên cả tuyệt vời! Những bài thơ về biển đảo của các nhà thơ Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh… đáng được trân trọng và kính nể. Trước tiên là chùm thơ biển nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên. Những câu thơ long lanh, tứ thư lung linh dạt dào thi hứng. Từ một bài thơ tình nhỏ nhẹ: Anh cách em như đất liền xa cách bể/ Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em/ Em thân thuộc sao thành xa lạ thế/ Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm… đến những tráng ca về biển đảo quê hương, cho thấy thi sĩ đã từ thế giới riêng tư tìm thấy ở biển một điều gì rộng lớn mênh mông, bao la, tràn đầy cảm xúc: Xanh biếc một màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại/ Sóng như hàng nghìn trưa xanh, trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời/ Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái/ Mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi/ Ôi hay chính lòng ta là bể… Thoảng tý gió, gợn màu mây, nhạt tý nắng, ửng sắc trời, ló vầng trăng, hay chỉ vô tình con chim bay con cá đớp/ Bể đổi thay như lòng ta thay cảm xúc/ Lật từng trang mây nước lạ lòng ta… hay Tôi muốn đến chỗ nước trời lẫn sắc/ Nơi bốn mùa đã hóa thành thu/ Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức ngủ/ Những rừng rong tóc xõa lược trăng cài/ Cá vào hội xòe hoa mang áo đẹp/ Cá nục, cà chuồn, cá chim không phải chim đâu, cá hồng hồng sắc vảy/ Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về…

Cành phong lan bể, Tàu đến, Tàu đi… và nhiều bài khác nữa đã tạo nên một Chế Lan Viên, nhà thơ của biển Việt Nam đắm say tuyệt vời từ bờ đến tận đáy.

Nhà thơ Huy Cận để lại nhiều bài thơ về biển đảo đáng nhớ, nổi bật là hai bài Những thành phố bên bờ biển cả (nhạc sĩ Phạm Đình Sáu phổ nhạc): Những thành phố bên bờ biển cả/ Đang dựng lên ta đến soi gương/ Bóng năm tháng vừa quen vừa lạ/ In hồn ta xanh biếc trùng dương. Và đặc biệt bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được tuyển vào sách giáo khoa nhiều thế hệ học sinh đều thuộc: Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa/ Đoàn tàu đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi, Hát rằng cá bạc biển Đông lặng/ Cá thu biển Đông như đoàn thoi/ Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng/ Đến dệt lưới ta đàn cá ơi. Viết về biển, Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình Việt Nam có bài thơ Biển nổi tiếng: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng/ Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi… Nếu Chế Lan Viên ví “phần yểu điệu nhất của quê hương” là biển, thì Xuân Diệu ví biển là “anh”, cho dù: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm sóng biếc…

Nhiều nhà thơ lấy biển, mượn biển, nhờ biển… để thể hiện lòng khát khao, sư trào dâng cảm xúc của mình, tình yêu của mình. Nhà thơ Xuân Quỳnh là một ví dụ ấy: Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu… Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa em/ Anh chỉ còn bão tố… Xưa các thôn nữ chỉ dám ví: Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiên ngói thương mình bấy nhiêu đã là lớn lắm. Ngày nay cô gái ví tình yêu của mình với biển cả! Nhạc sĩ Thế Song có bài Nơi đảo xa: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua...

Và đến hôm nay, thời gian qua, lính đảo, lính biển đều làm thơ về biển đảo của quê hương Việt Nam. Đinh Trung Cẩn có bài Tổ quốc gọi tên mình: Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong những lần ra Trường Sa đã sáng tác và tự xuất bản 21 ca khúc, ngoài những bản anh tự đặt lời như bài Hành trình đến Trường Sa: Vượt trùng dương chúng tôi lên đường, về đảo xa nắng cháy phong ba/ Trường Sa ơi nơi đầu sóng ngọn gió... còn có những bản anh phổ nhạc từ thơ của nhiều tác giả khác.

Biển đảo Việt Nam không chỉ đẹp và tình và hoan ca. Biển đảo Việt Nam còn anh hùng!
 

(*)Thơ Chế Lan Viên

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục