Những quan ngại về việc nhiều trang mạng chuyên đưa thông tin giật gân câu khách, đi ngược thuần phong mỹ tục, vai trò của báo chí trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển hiện nay... là những vấn đề “nóng” được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son chiều 20-11.
Thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội vi phạm
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), nêu thực tế hiện nay nhiều trang thông tin điện tử, mạng xã hội chuyên đưa thông tin giật gân, câu khách để thu hút quảng cáo, sử dụng tin nhắn rác để kiếm lời. Trước thực trạng đó, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ TT-TT ra sao? ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM), thẳng thắn, hiện nay có xu hướng báo chí không lành mạnh hay còn gọi là “lá cải” và các trang mạng tràn ngập thông tin tội ác, dung tục và có thể là nguyên nhân gây nên tội ác của trẻ vị thành niên. ĐB này cũng đề nghị bộ trưởng cho biết chế tài với những cơ quan không thực hiện nghiêm túc quy chế cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời?
Thừa nhận hiện nay, truyền thông xã hội (blog, trang thông tin điện tử...) đóng vai trò quan trọng khiến người dân có điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh nhạy nhưng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng, các trang mạng xã hội có những hạn chế trong việc kiểm chứng thông tin đưa ra, khiến nhiều khi đưa tin thất thiệt. Thậm chí, nhiều trang mạng xã hội còn đưa thông tin sai trái về tình hình kinh tế - xã hội, thuần phong mỹ tục, gây mất đoàn kết nội bộ, xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Để quản lý tốt thực tế này, Bộ TT-TT đã tham mưu và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 97 và sau này là Nghị định 72 về quản lý internet. Với blog cá nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đây là một thách thức lớn vì nhiều cá nhân đăng ký tại máy chủ đặt ở nước ngoài “nên chưa áp dụng chế tài được”. Với báo điện tử - một loại hình báo chí mới phát triển gần đây - trong khi Luật Báo chí đã được ra đời cách nay 24 năm nên cũng đã bộc lộ những bất cập trong việc áp dụng các chế tài và đòi hỏi phải sửa luật.
Trước câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc một số sự kện tranh chấp dân sự xảy ra nhưng báo chí không kịp thời đưa tin còn các trang mạng xã hội lại đưa và gây nên những đồn thổi không đúng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan phải thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí để các cơ quan báo chí có được thông tin nhanh, chính xác phản bác các thông tin xấu trên môi trường mạng. Với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, bộ sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra những đơn vị được cấp phép và sẽ thu hồi giấy phép nếu vi phạm.
Cước 3G tăng: Phù hợp nhưng tăng chất lượng còn phải... chờ
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về việc các nhà mạng tăng giá cước internet 3G có phải do sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí trên nền 3G (dịch vụ OTT) nên phải bù đắp doanh thu cũng như giải pháp nâng cao hơn chất lượng 3G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh nhưng giá cước hầu như không tăng. Việc tăng giá internet 3G vừa qua phù hợp với các quy định của Luật Viễn thông, Luật Giá, Luật Cạnh tranh cùng các văn bản hướng dẫn, vì phải tuân thủ theo nguyên tắc không thể bán dưới giá thành. Giá cước internet của Việt Nam vừa qua cũng thấp hơn nhiều so với khu vực, thế giới; các nhà mạng đã đầu tư đến 2 tỷ USD cho 3G... nên không thể bán giá thấp. Việc tăng cước 3G là theo quy định, lộ trình và không chỉ là thu lại lợi nhuận phục vụ hạ tầng mạng mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ TT-TT cũng thừa nhận, việc tăng này cũng có một phần bù đắp doanh thu giảm do dịch vụ OTT.
NGỌC QUANG
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN THÁI BÌNH
Bao nhiêu công chức “ngồi không”?
Ngày 20-11, sau phần trả lời thêm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Những vấn đề “nóng” như con số 30% công chức “ngồi không”, tinh giản biên chế hay tham nhũng trong chính đội ngũ cán bộ làm tổ chức cán bộ đã được nhiều đại biểu đề cập trong phiên chất vấn này.
Chưa rõ bao nhiêu công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”
Quan tâm nhiều tới chất lượng cán bộ, công chức hiện nay, nhiều đại biểu đã đề cập tới con số 30% công chức, viên chức không làm được việc, đến cơ quan chỉ “ngồi không” hay nói một cách hình tượng là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Các ĐB Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình làm rõ con số này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, tại cuộc họp tổng kết ngành nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nêu ra vấn đề này, nhưng cho biết là “có dư luận cho rằng có 30% cán bộ, công chức không làm được việc” chứ đó không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi phải đổi mới cải cách công tác cán bộ, quản lý cán bộ, viên chức, đổi mới công vụ nhiều hơn. Phần đánh giá cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa phương nhưng đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ cũng có trách nhiệm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, để có tiếng nói chung, các địa phương, bộ, ngành cần thực hiện một số giải pháp, như: tinh gọn bộ máy, thực hiện mô tả công việc, bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, hoàn thiện tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức...
Tiếp tục chất vấn về vấn đề này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phân tích, nếu đúng là có 30% cán bộ, viên chức không làm việc, thì số đó vào khoảng 700.000 người và mỗi năm nhà nước phải chi tới 17.000 tỷ đồng lãng phí. “Nếu không phải là 30% thì là bao nhiêu, xin bộ trưởng cho biết ý kiến?” - ông Chu Sơn Hà chất vấn. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: “Nói con số bao nhiêu thì không có cơ sở, nếu làm đúng những giải pháp như đã trình bày ở trên thì sẽ đến thời điểm có tiếng nói chung về vấn đề này”. ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) truy vấn: “Vậy Bộ Nội vụ có tính đến việc điều tra dư luận về con số 30% hay không và bộ trưởng có thay đổi ý kiến về việc bộ trưởng nói chỉ có 1% cán bộ không làm được việc hay không, bởi cả 2 con số trên đều khiến người dân chưa yên lòng?”.
Xin phép chủ tọa được có thêm thời gian nói về vấn đề này, nhưng sau đó Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại dẫn một loạt quy định về đánh giá chất lượng, tuyển dụng cán bộ, công chức để giải thích, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời và đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi. Bộ trưởng giải trình tiếp: “Số liệu vừa qua chúng tôi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tập hợp từ các bộ, ngành, địa phương. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ là phải có một kế hoạch, lộ trình để tạo sự thống nhất về tỷ lệ phần trăm đội ngũ công chức, viên chức không làm được việc”. Kết luận phần hỏi đáp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng như vậy cơ bản đã rõ, bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu là phải kiểm tra lại tỷ lệ 1% đã nêu trước đó vì đó mới là số liệu các bộ, ngành, địa phương báo cáo.
Tinh giản nhưng biên chế vẫn tăng hơn 20%
Liên quan đề án tinh giản biên chế cán bộ, công chức, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc tinh giản đội ngũ cán bộ công chức vừa qua không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể: số cán bộ, công chức nghỉ việc từ năm 2010 - 2012 là hơn 28.000 người, nhưng số tuyển mới lại hơn 69.800 người, tăng 41.719 người. “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước việc cán bộ, công chức không những không giảm mà còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ có giải pháp nào để tiếp tục tinh giản biên chế?” - ĐB Trần Ngọc Vinh chất vấn. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận từ năm 2007 đến năm 2012 biên chế công chức tăng trên 35.000 người (tăng 15,09%); biên chế viên chức tăng trên 381.000 người (tăng 25,29%). Lý do là phải bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị mới có thêm chức năng hoặc để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao cho những đơn vị khác nữa. Những lĩnh vực tăng biên chế là môi trường, đất đai, biển đảo, du lịch, hải quan...
Trả lời câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà về viêc liệu có hay không tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong chính đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: “Những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội, các kỳ họp Trung ương, cá nhân tôi và Bộ Nội vụ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nhiều nghị quyết của Đảng đã có đánh giá, đó là quan điểm tư tưởng gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức. Những nội dung mà đại biểu nêu thì phải tập trung đề ra các giải pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực công tác cán bộ”.
“Tuy bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực nhưng việc bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận là có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy cán bộ công chức” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận như vậy trước khi phiên chất vấn kết thúc. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đảng nói “bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức có tiêu cực, ý nói là cơ quan này, bộ phận kia, chỗ nhiều ít khác nhau nhưng có tiêu cực. Đó là điều hết sức nhức nhối! “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phải làm rõ tham nhũng, tiêu cực là ở bộ phận nào? Cụ thể là bao nhiêu?” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phải là người “cầm cái” trong triển khai chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính và cần có nhiều biện pháp hơn nữa để hạn chế tình trạng này. Bộ Nội vụ cần phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán, tư pháp... tiến hành làm rõ các tiêu cực ngay trong bộ máy cơ quan nhà nước.
BẢO MINH
“Học giả, bằng thật”... có thật
Tham gia “chia lửa” trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trả lời câu hỏi của ĐBQH về nạn “học giả, bằng thật”, mua bán bằng cấp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: Đây là hiện tượng có thật. Tuy nhiên, việc mua bán bằng cấp chỉ diễn ra đối với các cá nhân, tổ chức bên ngoài, ngành giáo dục chưa phát hiện trường hợp một nhà trường nào bán bằng cấp. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, cơ quan công an đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để ra nước ngoài làm việc. Bộ cũng đã tham gia xác minh, kết luận nhiều vụ sử dụng bằng giả, trong đó có cả trường hợp là cán bộ ở các cơ quan nhà nước. Về giải pháp ngăn chặn nạn sử dụng, mua bán bằng giả, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai danh sách học sinh, sinh viên tốt nghiệp (kể cả cao học, tiến sĩ…) lên website để các cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý có thể đối chiếu, tìm thông tin về người lao động. Tuy nhiên, hiện phần mềm mới cập nhật số học sinh, sinh viên tốt nghiệp 3 - 4 năm trở lại đây. Bộ cũng sử dụng phần mềm để phát hiện việc sao chép luận án để tránh “học giả, bằng thật”.
Đối với câu hỏi của ĐBQH về “cử nhân bán nước mía, thạc sĩ làm gia sư”, thể hiện tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, từ đó xác định nguồn lực ở nhiều khu công nghiệp mới để có hướng góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay.
HÀM YÊN ghi