(SGGP).- Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất sợi. Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy sợi Phú Bài 2, Nhà máy sợi Vinatex - Hồng Lĩnh, Nhà máy sợi Đồng Văn.
Ngoài ra, 4 dự án sản xuất nguyên phụ liệu sợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sản xuất. Tổng công ty 28, Công ty Dệt may Thành Công, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú… cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này vì hiện nay thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Hiện thuế suất khẩu sang các nước trên đang là 17% - 32%.
Tuy nhiên, mức thuế xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 0% nếu sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam chứng minh được xuất xứ nguyên phụ liệu (không tính xuất xứ bông) sản xuất tại Việt Nam hoặc từ những nước thành viên TPP. Đây sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường các nước, nhất là những nước thành viên TPP. Đồng thời, có cơ hội cạnh tranh tốt hơn so với doanh nghiệp dệt may tại các nước Trung Quốc, Bangladesh - những nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng không là thành viên TPP. Tuy nhiên, nguồn nguyên phụ liệu dệt may nước ta trong thời gian qua chủ yếu là nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công. Và nếu các doanh nghiệp dệt may không tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì cũng không thể hưởng các chính sách ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại.
ÁI VÂN
Tập đoàn Samsung cần 200 nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ
(SGGP).- Ngày 27-2, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết đã đạt được thỏa thuận về tỷ lệ ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa với Tập đoàn Samsung. Theo đó, sau 3 năm đầu triển khai hoạt động, Tập đoàn Samsung cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của mình lên 35%. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu này, Tập đoàn Samsung cho biết, sẽ cần khoảng 200 nhà cung cấp cho khu tổ hợp sản xuất. Đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, đây là con số không phải lớn so với số lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhưng để các doanh nghiệp có thể đặt chân vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung thì không dễ. Được biết, hiện các sản phẩm chính của Tập đoàn Samsung sản xuất tại Việt Nam là tivi thông minh, tivi led, tủ lạnh thông minh, máy giặt thông minh. Những doanh nghiệp nào được chọn vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ về công nghiệp hỗ trợ từ doanh nghiệp FDI.
VÂN ÁI