Đẩy mạnh kiến trúc tiết kiệm năng lượng

Hiện nay, trong cơ cấu sử dụng năng lượng, các công trình tòa nhà chiếm khoảng 35%-40% trên tổng năng lượng tiêu dùng của cả nước. Tỷ lệ này ngày một tăng cao trong thời gian gần đây khi các đô thị phát triển một cách nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng năng lượng của nước ta.

Hiện nay, trong cơ cấu sử dụng năng lượng, các công trình tòa nhà chiếm khoảng 35%-40% trên tổng năng lượng tiêu dùng của cả nước. Tỷ lệ này ngày một tăng cao trong thời gian gần đây khi các đô thị phát triển một cách nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng năng lượng của nước ta.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, trong 5 năm trở lại đây, chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM đã có hàng trăm dự án khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện và đi vào sử dụng. Chỉ có điều, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các biện pháp này trong quá trình xây dựng công trình. Còn công trình công cộng như các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện… được xây dựng trước đây rất lâu nên thường dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao. Kết quả là hiệu suất sử dụng năng lượng của những công trình xây dựng này thường thấp, gây lãng phí.

Theo ông René Martin Larsen, Giám đốc Dự án hợp tác giữa Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM và Trường Đại học Bắc Đan Mạch, một kiến trúc hiệu quả năng lượng là phải đảm bảo được xây dựng bằng nguồn vật liệu thân thiện với môi trường, nội thất phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Hiện tại Việt Nam đang vấp phải hai vấn đề khó khăn trong lĩnh vực này là chưa có chương trình chuẩn hóa đào tạo cấp đại học và cao hơn về thiết kế xanh. Hình thức thiết kế công trình, quản trị thông tin và các công cụ hỗ trợ cũng đang bị thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, chưa có nhiều chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các công trình theo mô hình kiến trúc hiệu quả năng lượng.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, khâu thiết kế kiến trúc ban đầu của tòa nhà có thể giúp tiết kiệm đến 30% năng lượng, do đó cần phải đầu tư thiết kế theo hướng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, do sự nhận thức chưa đầy đủ về kiến trúc tiết kiệm năng lượng đã dẫn đến những cách làm còn chưa triệt để, thiếu tính bền vững. Về mặt thiết kế kiến trúc, chưa phát huy được các lợi thế của điều kiện tự nhiên. Về mặt quản lý và sử dụng công trình, chưa chú trọng toàn diện vấn đề tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, khí thải.

Để khắc phục những hạn chế này, trước khi ứng dụng rộng rãi mô hình kiến trúc hiệu quả năng lượng, cần có những khảo sát, chuẩn bị, nghiên cứu lý thuyết để ứng dụng hiệu quả nhất. Mặt khác, sau khi tòa nhà đã đi vào hoạt động, chúng ta phải tiến hành đánh giá tổng thể, toàn diện những chỉ số cơ bản như vỏ bọc công trình, hệ thống chiếu sáng, điều hòa không khí. Từ đó tìm ra những thiết bị, khu vực đang lãng phí để đưa ra giải pháp khắc phục.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục