Trên thực tế, xu hướng phát triển kinh tế xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang được định hình khá rõ nét. Chỉ có điều, doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận hướng này với một mức độ rất hạn chế.
Phát triển kinh tế xanh - xu thế tất yếu
Phó Giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, phát triển kinh tế xanh là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với môi trường. Cụ thể, trong hoạt động sản xuất là phải tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường. Về sử dụng năng lượng, ngoài việc hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch - một trong những nguồn năng lượng được xác định là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, thì còn phải tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn là phải chú trọng đến hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh từ các hoạt động của xã hội. Hiện các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng mạnh mẽ đến phát triển nền kinh tế xanh. Thực tế thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nước từ những nước phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Canada đến những nước đang phát triển hoặc mới phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhiều hội nghị bàn về vấn đề phát triển xanh hoặc đồng thuận chia sẻ lợi ích kinh tế để tạo nền kinh tế xanh bền vững đã được các nước tổ chức. Tại mỗi nước cũng đã xây dựng những chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp với điều kiện kinh tế của nước mình và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đặc biệt, họ còn định hướng rõ chiến lược phát triển ngành tái chế, tái sử dụng chất thải..
Theo Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật khí tượng thủy văn và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại nước ta, khái niệm phát triển kinh tế xanh còn khá mới nhưng đến nay Chính phủ đã có những chính sách nhất quán từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, về phía nhà nước, chúng ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế xanh, Chương trình nghị sự 21 cho vấn đề phát triển bền vững, chương trình sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường, giảm thiểu thích ứng với biến đổi khí hậu... Điểm qua một số nét cơ bản trên có thể thấy, phát triển kinh tế xanh đang là xu thế tất yếu của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều đáng nói là xu hướng này sẽ có những tác động rất mạnh mẽ đến các doanh nghiệp. Thậm chí, trong chừng mực nhất định, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng yêu cầu đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường hoặc sản phẩm phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật thân thiện với môi trường thì khó có thể tham gia vào thị trường thế giới. Hiện nay, ít nhiều đã có các doanh nghiệp trong nước bị các nước trên thế giới từ chối nhập hàng vì không đảm bảo yếu tố “xanh” trong sản xuất và sản phẩm.
Cải tạo môi trường sản xuất
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, thực tế đã chứng minh, mức độ tác động xu thế phát triển kinh tế xanh phụ thuộc khả năng thích ứng và mức độ tiếp nhận của doanh nghiệp. Đặc biệt là một nước như nước ta có nền công nghệ sản xuất còn hạn chế thì muốn các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế xanh nhất thiết phải có sự thay đổi về công nghệ, năng lượng sử dụng. Trong vấn đề này, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta có sự tính toán chi phí đầu tư lâu dài thì việc đầu tư những giải pháp xanh sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Trên thực tế, hiện chi phí điện năng, nguyên liệu trên đơn vị sản phẩm của chúng ta đều cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu đầu tư đúng hướng thì tiết kiệm được chi phí này và theo thời gian sẽ hạ được giá thành sản phẩm. Như vậy bản thân doanh nghiệp cũng được lợi nhờ tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí xử lý môi trường. Còn xã hội cũng được hưởng lợi nhờ giảm thiểu thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất. Có thể khẳng định, cải tạo môi trường sản xuất thích ứng với xu thế phát triển mới là con đường duy nhất bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia.
Phó Giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn nhấn mạnh thêm, ngoài yếu tố rào cản kỹ thuật thì vai trò người tiêu dùng cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế xanh. Đơn cử, trở lại năm 2007, đã có một doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực trạng ô nhiễm này đã tác động xấu đến chất lượng sống của người dân. Và ngay khi vụ việc được phát hiện, rất nhiều người dân đã tẩy chay sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp này. Hành động này đã tạo ra hiệu ứng xã hội hết sức tích cực là buộc doanh nghiệp đó phải bồi thường những tổn hại về môi trường đã gây ra, bồi thường chất lượng môi trường sống của người dân và đặc biệt là phải cải tạo hoạt động sản xuất của mình theo hướng thân thiện với môi trường hơn. Từ trường hợp trên đã có thể khẳng định, vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế xanh. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng liên quan cần tăng độ nhận diện sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đến với cộng đồng.
ÁI VÂN