Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Nhật

Chiều 3-4, ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: Trái với dự báo ban đầu, xuất khẩu thủy sản vào thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng động đất và sóng thần tàn phá vào tháng 3-2011. Thế nhưng những ngày qua đơn hàng từ Nhật Bản tăng vọt, giá vẫn giữ ở mức cao không hề giảm. Hiện tại, người dân Nhật rất cần thực phẩm sạch, trong đó có tôm đông lạnh, cá tra phi lê…

* Giám sát thực phẩm, kể cả có chứng nhận an toàn phóng xạ

(SGGP). – Chiều 3-4, ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: Trái với dự báo ban đầu, xuất khẩu thủy sản vào thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng động đất và sóng thần tàn phá vào tháng 3-2011. Thế nhưng những ngày qua đơn hàng từ Nhật Bản tăng vọt, giá vẫn giữ ở mức cao không hề giảm. Hiện tại, người dân Nhật rất cần thực phẩm sạch, trong đó có tôm đông lạnh, cá tra phi lê…

Để cung ứng kịp thời những sản phẩm thủy sản cần thiết này, các doanh nghiệp ở Cà Mau đang đẩy mạnh chế biến cả ngày lẫn đêm phục vụ thị trường Nhật. Quan điểm chung của các doanh nghiệp, cùng đồng hành và chia sẻ khó khăn với nhà nhập khẩu và người dân Nhật vừa trải qua thảm họa động đất. Do đó, ngoài việc sớm cung cấp hàng thủy sản đảm bảo chất lượng, giá cả vẫn giữ mức cũ hoặc giảm, chứ không lợi dụng cơ hội để tăng giá.

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT cho biết, cùng với EU và Hoa Kỳ, Nhật là thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật đạt 898 triệu USD, tăng gần 19% so năm 2009. Đặc biệt, Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu vào Nhật, chiếm 21% thị phần.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm ngăn chặn nguy cơ thực phẩm nhiễm xạ, Cục ATVSTP đã yêu cầu các lô thực phẩm có xuất xứ Nhật Bản khi nhập khẩu vào nước ta phải xuất trình chứng nhận của cơ quan chức năng của Nhật Bản về an toàn phóng xạ, dù thế cơ quan chức năng của ta cũng sẽ lấy mẫu để giám sát, nhằm không để “lọt lưới” sản phẩm không an toàn ra cộng đồng.

Liên quan tới một số mặt hàng “xách tay” từ Nhật Bản, chủ yếu là sản phẩm sữa bột, Cục ATVSTP cũng thông báo với các đơn vị hải quan ở cửa khẩu đẩy mạnh kiểm tra ngẫu nhiên loại mặt hàng để có thể phát hiện sớm nhất sản phẩm nào nhiễm xạ. Cục trưởng Nguyễn Công Khẩn cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang về vấn đề thực phẩm nhiễm xạ vì Việt Nam hoàn toàn có đủ lực lượng để kiểm soát chặt chẽ việc này.

Hiện nay, thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu là thịt gia súc gia cầm, sữa, rau củ quả và các loại thủy hải sản.  

H.LỢI - NG.QUỐC

Tin cùng chuyên mục