Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, tình hình lao động, việc làm, nhất là tình trạng thất nghiệp có chiều hướng tăng cao, một lần nữa đặt ra cho Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cần có lời giải đáp thỏa đáng đồng thời đưa ra hướng giải quyết tích cực và phù hợp hơn trong thời gian tới.
Từ đầu năm 2013 đến nay, do tác động xấu của nền kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số mặt còn gay gắt hơn năm trước. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động gia tăng, cùng với đó là ảnh hưởng của việc thực hiện các giải pháp giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ, tín dụng dẫn tới tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng một điều thấy rõ là trình độ, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Ở nhiều doanh nghiệp, lao động vừa thừa lại vừa thiếu, thừa cử nhân đại học, nhưng thiếu trầm trọng công nhân lành nghề, chuyên viên kỹ thuật cao... Điều này đặt ra cho công tác dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho người lao động cần phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa.
Để đào tạo gắn với thị trường lao động, vấn đề đặt ra là cần có định hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Nhà nước xây dựng hệ thống thông tin về hướng phát triển của các ngành nghề, dự báo về nguồn nhân lực và thị trường lao động. Khi phát triển hệ thống dạy nghề, chú trọng cả chính sách lẫn thị trường lao động. Chính sách nhân lực trong khu vực nhà nước cần phải được thay đổi, có sự hỗ trợ về mặt pháp lý, về vốn để doanh nghiệp phát triển, thu hút lao động. Công tác dạy nghề quan tâm nhiều hơn tới thực hành, vừa đáp ứng được nhu cầu học của người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đa dạng hóa đào tạo, thiết lập các trung tâm hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, để thực hiện chức năng cầu nối giữa nhà sử dụng và người lao động. Trong đào tạo nghề, chú ý đào tạo và hình thành các năng lực mềm (làm việc nhóm, kỹ năng xử lý, thích nghi, biến đổi...) để người lao động linh hoạt trong lựa chọn nghề và chuyển đổi nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho người lao động thực hành, thử việc…
Nhưng để giải quyết căn cơ, vấn đề mấu chốt là Chính phủ đưa ra giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, giải pháp kích cầu và đầu tư tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất trở lại, tạo việc làm cho người lao động. Thông qua các chương trình kế hoạch xã hội, quỹ quốc gia về giải quyết việc làm để đề ra các chính sách khuyến khích người lao động học nghề, tự lập nghiệp. Ở các tỉnh, cần dồn sức cho sự phát triển toàn diện nông - lâm - ngư nghiệp, gắn với kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động qua đào tạo nghề; chính sách đối với chuyên gia, nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao của doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; các doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề, chi phí đào tạo được tính trong giá thành…
Tập trung cho giải quyết việc làm, giảm thiểu tối đa tình trạng thất nghiệp cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, bản thân người lao động và của toàn xã hội. Nhà nước tạo ra môi trường kinh tế, pháp luật thuận lợi và hỗ trợ một phần nguồn lực để người lao động được đào tạo, học nghề bài bản, tự tạo việc làm. Đây cũng là nội lực thúc đẩy công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động một cách căn cơ, bền vững.
TUẤN SƠN