Đẩy nhanh tái cấu trúc bộ máy và cổ phần hóa các doanh nghiệp

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang từng bước tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với PV Báo SGGP.
Đẩy nhanh tái cấu trúc bộ máy và cổ phần hóa các doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang từng bước tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với PV Báo SGGP.

Đẩy nhanh tái cấu trúc bộ máy và cổ phần hóa các doanh nghiệp ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

* Phóng viên: Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra rằng bộ máy của bộ đang rất cồng kềnh, phải sắp xếp tinh gọn lại để hoạt động hiệu quả hơn, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

* Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH:
Trước đây Bộ Công thương cũng đã có những bước triển khai thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối. Tuy nhiên, trong thời gian tới, bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức Tổng cục, Cục, Vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Bộ sẽ rà soát, bỏ cấp phòng trong Vụ theo đúng quy định của Chính phủ; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc bộ theo hướng giảm đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị; triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện.

Việc tái cấu trúc bộ máy của Bộ Công thương dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, theo tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo xử lý kịp thời, hướng tới công khai, minh bạch tất cả thủ tục hành chính công.

* Cũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công thương, Thủ tướng cũng đã yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp do bộ quản lý. Công việc này sẽ được Bộ Công thương triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

* Thực ra, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp do bộ quản lý đã được triển khai, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Bộ Công thương sẽ quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm thiểu vai trò của DNNN trong tất cả lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Đồng thời, tùy theo từng loại hình DNNN sẽ thoái vốn, hoặc chỉ nắm cổ phần nhất định, tiếp tục rà soát để bán tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước. Doanh nghiệp nào Nhà nước không cần thiết nắm giữ thì sẽ bán hết. Đồng thời với cổ phần hóa DNNN là niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động.

* Khi nói về đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN do Bộ Công thương quản lý, Bộ trưởng có nhấn mạnh đến việc có thể bán doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Vừa qua thì lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nói rằng có ý định mua lại Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?

* Trong cuộc gặp gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương, chúng tôi đã báo cáo về Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng như của các tập đoàn khác. Dự án này kéo dài hơn 10 năm, có các chi tiết rất phức tạp. Do tác động của hàng loạt yếu tố, từ thay đổi giá, tỷ giá, trách nhiệm các bên tham gia (gồm tổng thầu nước ngoài và ban quản lý dự án), tổng mức đầu tư đã tăng 283%.
Vì đang trong giai đoạn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nên chúng tôi chưa thể nói rõ về các giải pháp cụ thể. Nhưng dù là giải pháp nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước và hiệu quả của dự án. Chắc chắn không có con đường mòn cũ là có hỗ trợ nguồn lực, hay cơ chế chính sách để duy trì những dự án như vậy.

Còn việc lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát muốn mua lại dự án này thì chúng tôi chưa có thông tin chính thức.

* Thưa Bộ trưởng, thời gian qua dư luận bàn tán rất nhiều về các dự án có nguồn vốn và công nghệ từ Trung Quốc, như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và cuộc tranh luận đang diễn ra là “có nên vay 7.000 tỷ đồng làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái”. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

* Trong quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, cũng như đối với các nước khác, chúng ta hoàn toàn không có sự phân biệt nào. Vấn đề ở đây là cách tiếp cận, khai thác, sử dụng nguồn vốn và công nghệ đó như thế nào để đảm bảo được hiệu quả của các dự án.
Nếu nguồn vốn vay từ Trung Quốc có những ưu đãi hơn, lãi suất thấp hơn so với vay từ các nước khác thì tại sao chúng ta lại từ chối? Tuy nhiên, nếu nguồn lực đó đồng nghĩa với sự can thiệp quá sâu vào các công trình, dự án, như: chỉ định chủ đầu tư kém năng lực, bắt buộc phải sử dụng công nghệ không thực sự phù hợp, hoặc công nghệ tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, hoặc mang lại hiệu quả kinh tế thấp… thì chúng ta không chấp nhận.

* Một trong những vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm trong thời gian qua là kinh doanh đa cấp. Về mặt quản lý nhà nước, bộ sẽ tiến hành chấn chỉnh như thế nào?

* Về hoạt động bán hàng đa cấp, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Nhanh chóng hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nội dung trọng tâm là đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tập trung xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2016.

Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh, các Sở Công thương và lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc; xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động bán hàng đa cấp nhằm nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

LÊ GIA BẢO (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục