ĐBQH gửi cảm xúc, trăn trở đến Quốc hội khóa sau

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Bớt đi việc hành chính hóa trong hoạt động của Quốc hội

Bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, các ĐBQH ra về với nhiều tâm trạng khác nhau. Vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, nhưng ĐBQH vẫn còn nhiều trăn trở. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận một số cảm xúc của ĐBQH.

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Bớt đi việc hành chính hóa trong hoạt động của Quốc hội

Kỳ họp cuối cùng, cảm xúc trái ngược nhau. Đầu tiên, tôi cảm thấy 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội sao trôi qua nhanh quá, mới đó đã trải qua 2 hội trường: từ hội trường Bộ Quốc phòng về Nhà Quốc hội. Dù nhanh nhưng Quốc hội khóa XIII làm được khá nhiều việc và tôi cảm thấy vui vì đã đóng góp được phần nhỏ bé của mình trong thành tựu chung của Quốc hội.

Nhưng tôi cũng còn nhiều điều trăn trở, và tôi muốn gửi trăn trở đó cho nhiệm kỳ sau. Trong đó có vấn đề xây dựng pháp luật, dù đã tốt rồi nhưng làm sao để luật cụ thể hơn, giảm bớt những văn bản dưới luật để luật sớm đi vào cuộc sống. Thi hành pháp luật phải đồng bộ. Cùng với đó, khi quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thì Quốc hội nên tính toán nguồn lực một cách chủ động, để làm sao khi chính sách ra thì có thể thực thi được. Cuối cùng, cử tri cũng như bản thân tôi kỳ vọng Quốc hội ngày càng tăng ĐBQH chuyên trách, nâng tính chuyên nghiệp lên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bớt đi việc hành chính hóa trong hoạt động của Quốc hội. Đó là những cảm xúc, trăn trở và kỳ vọng của tôi gửi tới Quốc hội kỳ sau, vì kỳ sau, tôi không còn là ĐBQH.

* Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Anh Sơn: Băn khoăn về những “món nợ” với cử tri, nhân dân

Qua hoạt động của Quốc hội khóa XIII, có thể thấy Quốc hội đã gần dân hơn, hoạt động của Quốc hội được cử tri nhân dân theo dõi sát sao hơn. Tôi chỉ còn băn khoăn về tiếng nói của Quốc hội xung quanh việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bởi có lẽ, không nơi nào nói lên đầy đủ tiếng nói của người dân bằng trên diễn đàn Quốc hội. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần giải quyết tốt hơn trong nhiệm kỳ mới như chống tham nhũng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự an toàn xã hội... Dù kỳ này chúng ta đã giải quyết phần nào nhưng chưa tạo ra sự chuyển biến, đó vẫn là những “món nợ” với cử tri, nhân dân mà Quốc hội khóa XIV cần làm tốt hơn.

Về Chính phủ mới, tất cả chúng ta đều mong một Chính phủ mạnh mẽ, quyết tâm và gắn với dân; tận tụy phục vụ nhân dân, có khả năng vượt qua thách thức trong giai đoạn mới, cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; giải quyết rốt ráo hơn những khó khăn đã được chỉ ra của nhiệm kỳ trước. Tôi mong lĩnh vực nào cũng có những người đứng đầu mạnh mẽ.

* ĐBQH, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm: Lời tuyên thệ tạo hy vọng cho nhân dân

Dấu ấn nổi bật nhất của kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII là vấn đề nhân sự. Sau sự sắp xếp nhân sự của Đảng, Quốc hội lần này đã triển khai vấn đề nhân sự đều hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn. Toàn bộ hệ thống tổ chức của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được phê chuẩn, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, cách làm nhân sự cũng dân chủ hơn, thận trọng hơn, đảm bảo nghiêm minh luật pháp hơn. Nhân sự của Quốc hội lần này đã tạo nên được dấu ấn mới, cách làm mới, sẽ tạo cơ sở cho Quốc hội khóa XIV hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong kỳ họp, lần đầu tiên các nhân sự chủ chốt tiến hành tuyên thệ. Tuy việc thực hiện lời tuyên thệ đó cần có thời gian, có quá trình phấn đấu và được kiểm nghiệm thực tế, nhưng điều đó cũng đã tạo nên một sự hy vọng, một niềm tin cho nhân dân.

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Công tác nhân sự có thể cải tiến tốt hơn

Tôi nghĩ rằng, để công tác kiện toàn nhân sự đạt được sự đồng thuận cao hơn thì chương trình hành động toàn khóa của người đó cần được gửi kèm vào hồ sơ của các vị được đưa ra bầu, để ĐBQH có điều kiện đánh giá kỹ hơn. Nói xa hơn, tôi cho rằng trong công tác nhân sự, không nên “công chức hóa nghề lãnh đạo”, quá câu nệ giới hạn về tuổi tác.

Tôi cũng như cử tri và người dân, đều mong muốn các vị lãnh đạo cao nhất thực hiện đúng lời tuyên thệ của mình và xác định cương lĩnh hành động hiệu quả tùy thuộc vào vị trí công tác của họ. Như với Chủ tịch Quốc hội phải đảm bảo đại diện cho quyền lợi của nhân dân, ý kiến của cử tri. Với Chủ tịch nước, tôi mong đồng chí sẽ đảm bảo chủ quyền, quyền con người, đời sống xã hội để mọi công dân đều được tôn trọng như nhau. Với Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan hành pháp, mục tiêu quan trọng nhất là tổ chức bộ máy hành chính trong sạch, hiệu quả, phục vụ được quyền lợi của nhân dân.

LÂM NGUYÊN - ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục