
Nuôi cua lấy thịt (vỗ béo), nuôi cua gạch xuất khẩu đang là nghề hái ra tiền của ngư dân ĐBSCL. Nuôi cua tuy không siêu lợi nhuận bằng nuôi tôm sú nhưng hiệu quả kinh tế “ăn chắc”...…
Mê cua như điếu đổ!

Đây đang là câu chuyện thời sự ở vùng ngập mặn ven biển ĐBSCL. Sau nhiều vụ nuôi tôm thất trắng, người dân Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh…”đổ nợ”, ngán ngẩm con tôm bèn quay trở lại nuôi cua. Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Trà Vinh, cho biết: Nghề nuôi cua biển vốn là nghề truyền thống của người dân các huyện vùng ven biển ĐBSCL.
Trước đây, bà con nuôi cua theo hình thức quảng canh: đào ao ở các tuyến rừng, dùng lá dừa nước kết lại, bao xung quanh cho cua không thể đi và lấy nước vào (những con nước rong), cua con sẽ theo nước vào ao – đầm, sau đó đóng cống để giữ lại cua con và cua sẽ tự tìm thức ăn trong tự nhiên mà phát triển. Cách nuôi này, thời gian thu hoạch 10 đến 12 tháng, hiệu quả kinh tế không cao. Chính điều đó, hầu hết bà con chuyển sang nuôi tôm sú, làm cho nghề nuôi cua biển mai một, không phát triển.
Từ năm 2005, thông qua dự án “Phát triển và bảo vệ các vùng ngập nước ven biển tỉnh Trà Vinh” do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, Trung tâm Khuyến ngư Trà Vinh xây dựng nhiều mô hình nuôi cua biển ở 7 xã thuộc 3 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành. Qua thực tế 3 vụ nuôi thử nghiệm, hiệu quả kinh tế vượt hẳn sự mong đợi của người nuôi và các nhà khoa học.
Anh Trần Hữu Chí (xã Long Hòa, huyện Châu Thành), người tiên phong tham gia mô hình nuôi cua thử nghiệm, hồ hởi kể: “Với diện tích 2.000m2 , tôi thả 1.400 con cua giống (kích cỡ từ 30 – 40 con/kg). Qua 4 tháng nuôi, cua đạt chuẩn 250gr đến 300gr/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%. Sản lượng cua thương phẩm thu hoạch trên 250kg. Bình quân giá cua thịt 50.000 đến 80.000đ/kg, cua gạch 90.000 đến 140.000đ/kg, thu được 16 triệu đồng, trừ chi phí 6,3 triệu đồng, lợi nhuận hơn 9 triệu đồng. Chỉ với 2.000m2, bỏ ra 1 đồng vốn, thu lãi 1,5 đồng lời, “ăn đứt” con tôm sú, lại ít rủi ro, quá hấp dẫn. Nếu đầu tư theo quy mô công nghiệp, 1ha thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng nhưý chơi”.
Ở vùng đồng láng xã Đôn Xuân, Đôn Châu (huyện Trà Cú), Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), nghề nuôi cua lấy thịt đang “lên ngôi”. Nông dân Lê Văn Công ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân (Trà Cú) sau nhiều vụ tôm thua trắng tay, chuyển sang nuôi cua “thắng đậm” liền 3 vụ, giờ thì anh “mê” con cua như điếu đổ.
Những tín hiệu vui
Hiện nay, nông dân các huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh đang bước vào vụ thu hoạch 5,3 triệu cua giống thả nuôi vụ 1 trên diện tích mặt nước 580ha, sản lượng cua thương phẩm đạt hơn 758 tấn. Cua được mùa, trúng giá - cua loại 1 từ 80.000đ/kg đến 120.000đ/kg - nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho thị trường TPHCM và xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề nuôi cua biển trên 31,3 tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống 4.000 người dân vùng ngập mặn ven biển.
Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh đã sản xuất thành công cua biển giống nhân tạo để cung cấp cho người nuôi. Riêng Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh còn chuyển giao công nghệ sản xuất cua biển giống cho các trang trại sản xuất tôm sú giống trong tỉnh. Đây là tín hiệu vui, giải pháp lâu dài, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nghề nuôi cua biển nhiều tiềm năng vốn còn bỏ ngỏ thời gian qua.
Đình Cảnh