Khu vực ĐBSCL được xem là điểm nổi bật trong kết quả công bố PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh) năm nay. Lần đầu tiên Đồng Tháp vươn lên xếp hạng 4, Vĩnh Long xếp hạng 5, là tỉnh 4 năm liền được đánh giá đứng đầu khu vực và cả hai đều nằm trong nhóm “rất tốt”.
Kế tiếp là Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang có sự vươn lên đáng kể. Đáng lưu ý với những cải cách mạnh mẽ và kiên trì trong nhiều năm, Kiên Giang đã vươn lên vị trí 19, tăng 17 bậc so với năm 2008. Tương tự là Tiền Giang, vươn lên giữ vị trí thứ 9 trong cả nước, so với hạng 21 trong năm 2008. Riêng Hậu Giang là tỉnh mới thành lập từ năm 2004, sau 2 năm đầu ở vị trí khiêm tốn, Hậu Giang đã nỗ lực cải cách và tăng hạng liên tiếp trong 3 năm qua. Cụ thể năm nay Hậu Giang giữ vị trí 13 so với hạng 24 năm trước và đứng thứ 5 ở ĐBSCL. Ngoài ra, Trà Vinh tăng 8 hạng, Cần Thơ tăng 1 hạng và đều nằm trong tốp điều hành “tốt”. Bạc Liêu đã có thay đổi, tăng 3 hạng so với năm trước, nằm trong tốp “trung bình”.
Ngược lại, các tỉnh như Long An, Bến Tre, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng là những tỉnh giảm thứ hạng và điểm số. Cụ thể, Long An ở vị trí 6 (2008) thì năm nay 2009 xếp hạng thứ 12. Cà Mau cũng giảm 4 bậc, Bến Tre tụt 8 bậc và An Giang tụt 11 bậc so với năm trước.
Như vậy với kết quả công bố PCI 2009, ĐBSCL không còn màu đỏ trên bản đồ xếp hạng, tức là màu được đánh giá là điều hành yếu kém, cho thấy những nỗ lực cải thiện của các tỉnh, thành ĐBSCL đang được công nhận. Trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành, có 6 tỉnh trong nhóm “rất tốt” thì ĐBSCL có 2 đại diện. Ngoài ra. 3 địa phương được đánh giá có cải cách mạnh mẽ trong những năm qua thì ĐBSCL đã chiếm 2 vị trí.
Với kết quả PCI lần này, một lần nữa cho thấy ĐBSCL là vùng kinh tế năng động và luôn có những thay đổi mạnh mẽ. Các địa phương đã quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại công – tư, ưu tiên phát triển doanh nghiệp; chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; thường xuyên quan tâm, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển.
Hàm Luông