Cùng với cả nước, hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL đang tất bật bước vào năm học mới. Phía đầu nguồn, tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu năm học 2015 - 2016 vào ngày 10-8 vừa qua, sớm nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, bên cạnh những ngôi trường còn thơm mùi vôi mới, ĐBSCL vẫn ngổn ngang cảnh thiếu trường lớp; nơi thừa, nơi thiếu giáo viên; nỗi lo của phụ huynh khi vất vả chuẩn bị cho con em đến trường.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản tuột giá, thu nhập hộ gia đình ở nông thôn giảm đáng kể… đã tác động không ít đến đời sống của bà con nông dân. Trong khi mùa tựu trường kéo theo bao nhiêu nỗi lo: Sắm sửa quần áo, sách vở, các khoản phí… Ở cấp học tiểu học, theo thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐTB-XH ban hành ngày 15-7 vừa qua, học sinh cấp tiểu học trường công lập không phải đóng học phí; miễn giảm học phí đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh nghèo, con em gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, các khoản thu đầu năm học cũng gây áp lực không nhỏ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, dù ở nông thôn hay thành thị, nhất là các khoản thu do nhà trường và hội phụ huynh phát động “tự nguyện”, mỗi nơi mỗi kiểu và rất khó quản lý. Do vậy, ngành giáo dục cần quy định nghiêm các khoản thu đầu năm học để người dân an tâm.
Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL mới chỉ có Tiền Giang, Bến Tre và Hậu Giang đạt chuẩn giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Đó là chưa kể trong 15 tỉnh, thành của cả nước khó có khả năng hoàn thành đề án này thì ĐBSCL có 8 tỉnh. Nguyên nhân chính là ĐBSCL thiếu hàng ngàn giáo viên mầm non, nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất dành cho bậc mầm non còn ít. Ở nhiều tỉnh, thành, trường lớp còn tạm bợ, nhiều xã, phường chưa có trường mầm non độc lập, chưa có nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình...
Trong khi đó, ở các cấp học khác, mối lo vẫn là tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là cấp THCS và THPT. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học chủ yếu là do các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân học lực kém, nhà ở xa trường, điều kiện sông nước đi lại khó khăn, nhất là học sinh ở các xã vùng sâu, vùng ven biển. Mặt khác, điều kiện và chất lượng giảng dạy, học tập còn hạn chế ở một số trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em dẫn đến tình trạng các em chán học, bỏ học. Thực tế thời gian qua cho thấy, những học sinh nghèo đã nghỉ học một lần là sẽ có nguy cơ bỏ học lần tiếp theo sau khi được vận động trở lại lớp.
Trước tình hình trên, ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa giáo dục, vận động các nguồn tài trợ tổ chức cấp phát học bổng, sách giáo khoa, tập vở, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo, vượt khó; thường xuyên theo dõi và kịp thời vận động đối tượng học sinh bỏ học trở lại trường hoặc vào các lớp bổ túc văn hóa ở địa phương… Với những nỗ lực trên, năm học 2014 - 2015, toàn vùng có trên 25.000 trường hợp học sinh bỏ học, thấp hơn nhiều so với các năm học trước, nhưng vẫn là con số đáng suy ngẫm.
Làm thế nào để tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ sinh viên trên vạn dân, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo ở ĐBSCL tiệm cận với bình quân chung cả nước, là câu hỏi mà ngành giáo dục và các địa phương trong vùng phải tìm bằng được câu trả lời. Bên cạnh các chủ trương, chính sách, đầu tư của trung ương, các tỉnh, thành trong vùng cần có chính sách cụ thể cho gia đình học sinh nghèo để học sinh an tâm đến trường. ĐBSCL trù phú, giàu tiềm năng lúa, cá, tôm đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những yếu kém, tồn tại về giáo dục - đào tạo, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu lực lượng lao động lành nghề, thì khó có thể tận dụng và phát huy được những tiềm năng kinh tế của mình.
TRẦN MINH TRƯỜNG