Chiều 16-12, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường trên thị trường tiếp tục giảm còn 14.200 - 14.500 đồng/kg, khiến các nhà máy thua lỗ từ 600 - 1.000 đồng/kg. Trước tình hình trên buộc các nhà máy phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động vì thua lỗ. Từ đó giá mía nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL cũng giảm theo, việc tiêu thụ mía cũng chậm lại.
Bà Lê Thị Nương, chủ 6 công mía ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) than, năm nay mía thất mùa, thất giá, thương lái chỉ mua 650 đồng/kg, tính ra lỗ trắng. Theo UBND xã Vĩnh Viễn A, vụ mía này phần lớn nông dân trắng tay. Vì thế, nhiều hộ phá bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng lúa. Ước tính đã có khoảng 40ha mía được nông dân phá bỏ và thời gian tới sẽ còn nhiều hộ bỏ ruộng mía do không hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho hay, hiện nay đã có nhiều hộ dân trong huyện phá bỏ ruộng mía chuyển sang trồng hoa màu, điều này cho thấy diện tích mía vụ tới sẽ giảm. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nhiều hộ vừa thu hoạch mía xong đã chuyển sang trồng bắp, bí đỏ, dưa hấu, lúa... Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung lo lắng, với tình hình mía đường ế như hiện nay, chủ trương của huyện cố gắng giữ khoảng 7.500ha mía trong vụ tới, giảm gần 500ha so với hiện nay.
N.DUY