Hôm nay, mùa bóng 2013 chính thức khai diễn bằng trận đấu tranh siêu cúp, khép lại một giai đoạn cực kỳ phức tạp của bóng đá Việt Nam trong quá trình chuẩn bị với muôn vàn khó khăn, đơn cử là việc có đến 8 CLB khác nhau của mùa giải 2012 đã không thể duy trì sự tồn tại của mình trong mùa giải mới. Vẫn còn đó khó khăn về tài chính tại các CLB, sự hoang mang của đại bộ phận cầu thủ khi những khoản lương, thưởng không còn được như trước và nguy cơ thất nghiệp có thể đến với họ bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, gác lại tất cả, mọi thành viên của bóng đá Việt đều hy vọng vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn sau khi rất nhiều giá trị của bóng đá đã được trả về cơ bản.
Hy vọng lớn nhất nằm ở chất lượng của các trận đấu tại những giải nội địa sắp đến. Người ta hy vọng bóng đá sẽ “sạch” hơn khi cầu thủ ra sân với quyết tâm cống hiến, khẳng định năng lực bản thân hơn là đá vì những khoản tiền thưởng và các bản hợp đồng bom tấn. Bóng đá càng “sạch” thì chất lượng của các trận đấu sẽ có cơ hội được nâng lên và nền bóng đá có cơ hội phát triển đẳng cấp của mình.
Vì lẽ đó, sự ra đời của Ban tư vấn đạo đức của Công ty VPF cách đây vài ngày được kỳ vọng như là cam kết của các nhà tổ chức trong quyết tâm trả lại cho bóng đá Việt Nam những điều đẹp đẽ nguyên sơ của bóng đá, qua đó đem lại niềm tin cho người hâm mộ và làm cho các sân bóng trên cả nước sống lại những ngày hội hè của niềm vui và đam mê.
Tuy nhiên, cũng không vì thế mà người hâm mộ vội lạc quan về một nền bóng đá “sạch” chỉ bằng sự ra đời của Ban tư vấn đạo đức. Lịch sử bóng đá Việt Nam cho thấy, năm nào, mùa giải nào, những nhà điều hành bóng đá cũng quyết tâm và cũng không hề thiếu những bộ phận, giải pháp để truy tìm và loại bỏ những hình thức tiêu cực. Thế nhưng, càng quyết tâm thì “cuộc chiến với cái xấu” ấy càng gian nan khi tiêu cực biến tướng nhiều hơn và luôn đi trước các biện pháp phòng chống. Nguyên nhân rất đơn giản: bản chất của tiêu cực xuất phát ngay từ nội tại của nền bóng đá, từ chính các thành viên tham gia thi đấu và chẳng loại trừ ai từ đội bóng, trọng tài, CĐV và thậm chí, từ chính những ông chủ CLB.
Chính vì vậy, để có một nền bóng đá sạch thì đầu tiên các CLB phải “sạch” về tư tưởng, từ đó mới có các trận đấu sòng phẳng, trung thực. Muốn được như vậy, mọi thành phần tham gia bóng đá phải có cùng khát khao, đam mê và phải làm tất cả vì chính người hâm mộ. Nói cho cùng, bóng đá dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư mà không vì khán giả sẽ không còn đất sống.
Chúng ta khen ngợi quyết tâm của các nhà tổ chức khi cố gắng thu xếp tài chính, quyết tâm để giải diễn ra đúng kế hoạch và ra đời bộ phận chuyên đánh giá về đạo đức sân cỏ nhưng cũng thật bình tĩnh để chờ đợi những diễn biến sắp đến của mùa giải 2013. Chỉ có thực tế sân cỏ và chất lượng của những trận đấu mới đem lại câu trả lời thỏa đáng nhất. Cái mà chúng ta có thể hy vọng ở thời điểm này có lẽ là sau bao nhiêu khó khăn, những thành viên của bóng đá Việt đã ý thức được mình tồn tại và phát triển vì ai. Đấy mới chính là nền tảng để bóng đá trở nên “sạch” hơn.
VIỆT QUANG