Đổi mới để phát triển – Đường chúng ta đi

Để con đường đổi mới thành công

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi”, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết đóng góp của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Để con đường đổi mới thành công

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi”, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết đóng góp của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Tấn Dẫu, nguyên Chính ủy Sư đoàn 868, Quân khu 9:Đảng phải dũng cảm mổ xẻ vấn đề của Đảng

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” trên Báo SGGP. Theo đó, sự nghiệp đổi mới đất nước dù còn nhiều khó khăn, thử thách song đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo một lần nữa chứng minh sự phát triển và lớn mạnh của Đảng, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của Đảng đối với dân tộc.

Chính vì thế, để đổi mới tiếp tục thành công, điều kiện tiên quyết là phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng điều đó chỉ có được khi Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh với đội ngũ đảng viên có đạo đức, có trí tuệ, giữ vai trò tiên phong lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thực tế, đây là điều đang khiến tất cả chúng ta rất băn khoăn, trăn trở.

Chúng ta đều thấy, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên của Đảng giữ vững lập trường kiên định, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phai nhạt lý tưởng, sa đọa về đạo đức, lối sống, rơi vào dòng xoáy của thị trường, sống xa hoa, lãng phí, tham nhũng... Chính điều này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào tiền đồ của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo.

Hiện nay, tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý kinh tế, đặc biệt trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý các doanh nghiệp Nhà nước khá nghiêm trọng, người dân không khỏi lo lắng trước những diễn biến và mức độ phức tạp gia tăng. Trong khi cuộc sống đòi hỏi đảng viên phải tiên phong gương mẫu, dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân phát huy trí tuệ để hoàn thiện và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không ít cán bộ, đảng viên lại chỉ biết lo vun vén cho lợi ích cá nhân, có lối sống thực dụng, hưởng thụ. Đáng buồn hơn, một số cán bộ đảng viên còn thờ ơ, vô cảm với nhiều vấn đề bức xúc xã hội khiến lòng dân không an.

Đó là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ ta. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đến lúc Đảng phải dũng cảm mổ xẻ những vấn đề mới đặt ra đối với Đảng nhằm củng cố tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Chị Trần Mai Khanh, Trường Đại học Lao động - Xã hội, TPHCM: Nhận rõ thách thức để tìm cách vượt qua

Năm 1986, khi Đại hội lần thứ VI - Đại hội đổi mới của Đảng diễn ra, tôi còn nhỏ nên chưa hiểu rõ về những định hướng phát triển của đất nước. Sau này, có dịp tìm hiểu sâu hơn về thời kỳ được gọi là “đêm trước đổi mới”, những khó khăn về kinh tế không chỉ trên bình diện quốc gia mà trong mỗi gia đình, mỗi người lúc đó, rồi đến khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới với những đổi thay như ngày hôm nay, tôi thật sự tự hào.

Thế hệ trẻ chúng tôi hiểu rất rõ thành tựu đổi mới đạt được như ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có. Đó là nhờ sự hy sinh dũng cảm của bao lớp người đi trước. Bằng ý chí kiên cường, bản lĩnh Việt Nam, chúng ta đã không để sóng dập gió, mà biết dùng gió để căng buồm, đưa thuyền vượt sóng ra khơi, vượt qua bão tố, vươn lên, hội nhập với thế giới...

Chúng ta vui mừng, tự hào với những thành tựu đạt được, nhưng chúng ta cũng không bao giờ quên cái giá rất đắt mà dân tộc chúng ta phải trả. Chúng ta lại càng phải nhìn nhận rõ hơn thách thức mà chúng ta phải vượt qua trong chặng đường sắp tới để nỗ lực hơn nữa vì một Việt Nam hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ông Phạm Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thái, quận Tân Bình: Đảng cần quan tâm đến chiến lược đào tạo con người

Sở dĩ công cuộc đổi mới thành công là nhờ Đảng ta có những cán bộ, đảng viên tận tụy hết lòng vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của dân. Họ luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết. Những con người ấy sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Thế nhưng, đáng tiếc trong thời kỳ “hậu đổi mới” hiện nay lại xuất hiện những cán bộ, đảng viên đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Họ góp phần làm cho đội ngũ đảng viên tuy “đông nhưng không mạnh”.

Thực tế thời gian qua, có không ít cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, dính líu vào các vụ án tham nhũng, hối lộ, làm bằng giả, khai man lý lịch, cơ hội, gây mất đoàn kết nội bộ… Những người này đã không trung thực với lời thề trước Đảng và với chính bản thân mình thì làm sao họ trung thực với dân, với nước? Chính vì trong nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền các cấp tồn tại những “con sâu” nên đã làm cho người dân giảm sút niềm tin. Chỉ đến khi họ bị quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác và tổ chức tiến hành kiểm tra mới bị xử lý. Vì sao có tình trạng trớ trêu này?

Nguyên nhân do công tác quản lý cán bộ của Đảng còn chưa chặt chẽ, còn nể nang, né tránh trách nhiệm, thậm chí còn bè phái để lôi kéo nhau vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Nguy hiểm hơn, khi những cán bộ này đã có chức có quyền trong tay, họ quay lại trù dập những người trung thành với Đảng, hòng thủ tiêu tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong tổ chức Đảng.

Để công cuộc đổi mới tiếp tục thành công, theo tôi, nhân tố con người đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, Đảng cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ kế thừa đạt tiêu chuẩn “vừa hồng, vừa chuyên”, có đạo đức, lối sống trong sáng, trung thực, hết lòng vì sự nghiệp chung, thật sự được dân tin yêu và ủng hộ.

Bà Đặng Thị Mai, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Hóc Môn, TPHCM: Tiếp tục chăm lo đời sống người dân

Như chúng ta đã biết, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân.

Còn nhớ, thời kỳ trước đổi mới, nông dân làm ra hạt lúa nhưng vẫn bị thiếu đói; công nhân làm ra các sản phẩm nhưng vẫn phải dùng hàng phân phối một cách nhỏ giọt. Không chấp nhận cảnh đói khổ, nông dân đã phải “xé rào” thực hiện khoán 10 trong nông nghiệp; công nhân tìm cách nhập máy móc hiện đại để làm ra nhiều sản phẩm bán ra thị trường. Ngành kinh doanh thương nghiệp tìm cách xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, thực hiện cơ chế thị trường để lưu thông hàng hóa đến mọi người, mọi nhà, nhờ vậy, đời sống người dân các tầng lớp trong xã hội đã từng bước được cải thiện.

Một trong những thành tựu đổi mới rất đáng tự hào là Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, sau đổi mới, gần đây, đời sống người dân phát sinh nhiều vấn đề bức xúc mới đòi hỏi Đảng, chính phủ cần quan tâm giải quyết. Hiện nay, hàng năm, diện tích đất nông nghiệp đã và đang bị thu hẹp. Hàng trăm ngàn hécta đất trồng lúa và hoa màu bị chuyển sang dùng làm sân golf, trang trại, khu công nghiệp, thủy điện… khiến nông dân lâm cảnh mất đất, thất nghiệp vì không còn phương tiện sản xuất. Lực lượng lao động trẻ ở nông thôn bỏ nhà di cư đến các TP lớn để tìm đường mưu sinh khiến nông thôn trở nên vắng vẻ đìu hiu, thiếu sức sống, chỉ còn người già và trẻ con ở lại. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các TP lớn, đời sống công nhân cũng chẳng sáng sủa hơn.

Để thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh và tiếp tục con đường đổi mới, Đảng và Nhà nước nên có chính sách chăm lo đời sống nông dân để nông dân phải là những người cày có ruộng thật sự. Công nhân phải là người làm chủ nhà máy, thực hiện làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, kiên quyết không để cảnh bóc lột xưa tái diễn. Trong công cuộc đổi mới, hơn ai hết, nông nhân và công nhân đã phải chịu nhiều hy sinh, gian khổ. Do đó, “hậu đổi mới”, họ phải được đãi ngộ xứng đáng và có quyền được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

MINH NGỌC (ghi)

Tin cùng chuyên mục