Miền Trung những ngày này nơm nớp lo đợt lũ 23 tháng 10 Âm lịch sắp tới, trong lúc chưa kịp định thần bởi ngút ngàn khó khăn sau 3 đợt lũ vừa qua.
Suốt hơn 1 tháng qua, người dân vùng lũ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An rồi Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã nhận được bao sẻ chia, động viên giúp đỡ của hàng triệu tấm lòng hảo tâm, nhân ái cả nước và quốc tế. Từng chuyến xe, từng con người mang tiền, hàng cứu trợ ở phía Nam, ở phía Bắc đến những địa danh rốn lũ như Vũ Quang, Hương Khê, Quảng Trạch, Đồng Xuân... đã kịp thời chia sẻ khó khăn bà con vùng lũ trong cơn hoạn nạn.
Tấm lòng của đồng bào và bà con cả nước đồng bào vùng lũ không thể quên ơn. Tuy nhiên, trong công tác cứu trợ vẫn còn đôi điều chưa được hợp lý. Có nhiều ý kiến phản ánh không ít cán bộ cơ sở đã thiếu sâu sát, dẫn đến việc chia hàng cứu trợ nảy sinh bất cập. Khi các đoàn cứu trợ đến một địa phương nào đó thường đoàn sẽ tìm hiểu thông tin từ cán bộ cơ sở, từ đó sẽ phân phát quà theo các địa chỉ chỉ định.
Nhưng việc này ở một số nơi không được sâu sát. Một lần, khi đoàn cứu trợ phát quà tại khối 2 - thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có một nhóm phụ nữ lội nước bám theo bảo “các chú đừng có nghe mấy ông ở trên, cứ đi theo chúng tôi mới thấy nhà mô đáng được nhận quà”.
Thêm nữa, việc điều phối hàng cứu trợ chưa thật đồng đều. Vẫn biết rằng, tấm lòng của các nhà hảo tâm là muốn đến cụ thể ở vùng này, chỗ kia. Tuy nhiên, có những nơi các đoàn cứu trợ đến với tần suất dày đặc, còn có những nơi lại khá vắng bóng. Rồi chuyện biến quần áo cứu trợ thành giẻ lau xe làm dư luận phẫn nộ. Việc đúng sai, trách nhiệm của tập thể và cá nhân như thế nào đang được các cấp ngành đang tiến hành xử lý. Tuy nhiên, đây là một sự việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của người dân cả nước đối với tổ chức, địa phương liên quan.
Điều oái ăm nhất là lượng mì ăn liền đổ về vùng lũ lên đến hàng trăm ngàn thùng. Trong lũ, đó là món hàng có thể ăn ngay để chống đói, nhưng người dân khó ăn mãi trong 30 ngày. Cần tính đến các phương tiện cứu trợ khác như bằng tiền mặt, gạo - thực phẩm khô, chăn màn - đồ ấm, vật liệu lợp nhà, hạt giống, con giống, phân bón... để người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Người dân vùng lũ ước ao có được vật tư xây dựng lại nhà; bảo trợ cho các cháu học sinh khó khăn đi học; hỗ trợ phát triển vùng rau, gia cầm gia súc, tạo việc làm cho một số hộ gia đình khó khăn... Làm được điều này cần sự chuẩn bị tốt từ chính quyền cơ sở trong việc kết nối giữa các tổ chức, cá nhân cứu trợ với hộ nghèo cần hỗ trợ. Nếu làm được điều này ý nghĩa của đồng tiền nhân ái sẽ càng đẹp hơn, đời sống người dân vùng lũ sẽ sớm ổn định, bớt gian truân vì thiên tai dồn dập.
Trần Kha